Theo UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, công tác thu nợ BHXH, BHYT được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2018, liên ngành và UBND các quận, huyện đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ BHXH tại 1.880 doanh nghiệp, thu hồi số tiền nợ BHXH gần 352 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2018, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.694 tỷ đồng (giảm 423,2 tỷ đồng; tương đương 19,9% so cùng kỳ năm 2017).
Tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn Thành phố đã giảm mạnh, tuy nhiên vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về chế độ BHXH, BHYT. Nguyên nhân chủ yếu là chủ doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, nhiều đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, mất khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả, trong đó có BHXH.
“Bên cạnh đó, theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) tổ chức Công đoàn khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, tuy nhiên do vướng mắc về trình tự, thủ tục nên đến nay chưa được thực hiện. Nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh righiệp trình độ còn hạn chế nên các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của người lao động khi bị vi phạm kém hiệu quả”, đại diện BHXH Hà Nội cho biết.
Tại nhiều quận huyện, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp không ổn định, nhiều đơn vị đăng ký thành lập mới nhưng thực tế không có hoạt động thuê mướn lao động, chủ yếu là sử dụng nguồn lao động mang tính chất gia đình hoặc không có lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Trước tình hình đó, Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; Công khai danh sách các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT cũng như các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN và kết quả thu hồi nợ BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng.
BHXH Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 1460/QCPH giữa 5 ngành: Công an, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Cục Thuế Thành phố, BHXH Thành phố để bảo đảm quyền và lợi ích họp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017 - 2020.
BHXH Thành phố thực hiện phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ, xác định nguyên nhân nợ, trên cơ sở đó đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thực hiện đôn đốc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Cơ quan BHXH thực hiện rà soát, xác định tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp để báo cáo, đưa ra khỏi danh sách nợ các doanh nghiệp thực tế không còn tồn tại trên địa bàn; xác định các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... để kịp thời xử lý, giải quyết số nợ phát sinh và quyền lợi cho người lao động.
“Thành phố không đề xuất tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN; yêu cầu doanh nghiệp khi tham gia dự thầu trên địa bàn Thành phố với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư, phải hoàn thành nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, BHTN” BHXH Hà Nội cho biết.