Về vấn đề này, theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 15/1/2019, mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có sự điều chỉnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP được áp dụng kể từ ngày 15/12/2018. Tuy nhiên, lần điều chỉnh này, giá các dịch vụ y tế tăng không nhiều, tác động không đáng kể đến người có thẻ BHYT. Do vậy, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng thanh toán BHYT (quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BYT) bao gồm: Chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.
Do đó, Thông tư số 39/2018/TT-BYT không thay đổi các yếu tố cấu thành giá khám, chữa bệnh như nêu trên mà điều chỉnh do thay đổi mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Do vậy, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.
Cụ thể, giá dịch vụ lượt khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng một tăng từ 33.100 đồng lên 37.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng hai tăng từ 29.600 đồng lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng ba tăng từ 26.600 đồng lên 29.000 đồng/ lượt; bệnh viện hạng bốn và trạm y tế xã tăng từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt. Cùng với giá khám bệnh, giá một số dịch vụ khác cũng điều chỉnh tăng, như giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng; giường bệnh hồi sức cấp cứu; giường bệnh ở các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, nội tiết, dị ứng, cơ - xương - khớp, da liễu, tai - mũi - họng...
Giá ngày giường điều trị cũng tăng tương ứng, trong đó tiền ngày giường cho bệnh nhân hồi sức tích cực, ghép tủy, ghép tạng, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tăng lên 753.000đ/ngày (cao hơn gần 70.000đ/ngày so với hiện hành). Tại bệnh viện hạng 1, giá giường tăng từ 615.600 đồng lên 678.000 đồng....
Việc điều chỉnh lần này tác động không nhiều đến những người đã có thẻ BHYT. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn..., các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng.
Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%) cho nên mức độ tác động không đáng kể. Riêng các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23%.