Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và văn minh đô thị, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình điểm về an toàn thức ăn đường phố, mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn và đảm bảo an toàn thực phẩm tại 30 tuyến phố văn minh đô thị. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, các đơn vị chức năng trong quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử phạt khi có vi phạm an toàn thực phẩm theo phân cấp.
Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến các sản phẩm giò, chả. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo báo cáo của UBND, thành phố hiện đã triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố từ năm 1998 và đến nay, ở 100% xã, phường, thị trấn. Phường Trung Liệt, tuyến phố Núi Trúc và 30 tuyến phố văn minh của 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố với nhiều biện pháp để tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với dịch vụ kinh doanh ăn uống và thức ăn đường phố.
Qua quá trình triển khai đến nay, đã có 99% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã ký cam kết đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm với chính quyền địa phương; kiến thức thực hành các nhóm đối tượng tăng so với năm 2013 (người quản lý tăng từ 59,1% lên 86,8%; người kinh doanh, chế biến tăng từ 58% lên 82,9%; người tiêu dùng tăng từ 72,6% lên 83,5%). Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm chưa đảm bảo 10 tiêu chí vẫn còn khá nhiều. Vi phạm nhiều nhất là chế biến, bày bán ngay trên vỉa hè không che đậy, cơ sở chật hẹp, chung với nơi sinh sống của gia đình. Nhiều điểm bán hàng rong không có dụng cụ đảm bảo vệ sinh, bán hàng ngay cạnh rãnh thoát nước. Nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, vì lợi nhuận coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Để khắc phục những tồn tại, Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm quận, huyện, thị xã định kỳ 6 tháng kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do xã, phường quản lý. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai quyết liệt các công tác như đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tới các nhóm đối tượng, trọng tâm là người chủ cơ sở và người chế biến…
Bên cạnh đó, huy động các cơ quan chức năng, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra đảm bảo mỹ quan đô thị, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nêu tên các cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết không sử dụng; chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Sở Y tế là cơ quan thường trực giúp UBND thành phố triển khai kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai mô hình điểm về cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới. Đồng thời, tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng tuyến quận, huyện kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do quận, huyện, xã, phường quản lý.
Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng kiểm soát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu cho chính quyền tổ chức tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, dẹp bỏ các cơ sở lấn chiếm vỉa hè, bán hàng tại các điểm không được phép, các hàng rong cổng trường học, bệnh viện, chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.