Hà Nội liệu còn ngập khi mưa lớn?

Qua 2 trận mưa lớn trong tháng 6, điệp khúc Hà Nội ngập lại tái diễn dù dự án thoát nước giai đoạn II đã cơ bản hoàn thành. Tình trạng ngập khu vực nội thành ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Khơi thông dòng chảy tại một mương thoát nước quận Ba Đình (Hà Nội).

Nhiều điểm ngập


Thực tế từ 2 trận mưa vào sáng ngày 13/6 và tối ngày 19/6 cho thấy, gần 40 điểm ngập xuất hiện khu vực nội thành Hà Nội, nhiều điểm ngập đến yên xe máy gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Một số điểm ngập thời điểm đó được ghi nhận tại ngã ba Lạc Trung - Minh Khai, Kim Mã, Khuất Duy Tiến, Hai Bà Trưng – Hàng Bài, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học…


Ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH thoát nước MTV Hà Nội cho biết: Năm 2015 Hà Nội có 20 điểm ngập úng, đến nay giảm xuống còn 18 điểm. Trong đó, có 11 điểm thuộc khu vực các quận nội thành như: ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; đường Cao Bá Quát, Thụy Khuê, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, Giải Phóng, Trường Chinh...; 3 điểm ở quận Long Biên là phố Ngọc Lâm, Cố Linh, Hoàng Như Tiếp; 2 điểm ở quận Hà Đông là ngã ba Quang Trung - Phan Đình Giót, ngã ba Ba La; 2 điểm ở khu vực tả sông Nhuệ là đường Phạm Văn Đồng, phố Hoa Bằng.


“Công ty thoát nước Hà Nội triển khai ứng trực 24/24, chuẩn bị các xe bơm di động, xe hút stec… và các trạm bơm cục bộ để bơm nước chống ngập cục bộ tại một số điểm trững trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn”, ông Võ Tiến Hùng cho biết.


Theo phương án thoát nước mùa mưa và phòng chống úng ngập năm 2017 của Công ty TNHH thoát nước MTV Hà Nội, năng lực tiêu úng của hệ thống thoát nước Hà Nội hiện nay chỉ hoạt động tốt nếu lượng mưa 50 mm/2 giờ. Tuy nhiên, nếu mưa từ 50 - 100 mm/2 giờ, khả năng xuất hiện những điểm ngập úng sẽ cao. Còn nếu mưa to trên 100 mm/2 giờ, dồn dập trong thời gian ngắn, hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội sẽ quá tải.


Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành giai đoạn 2 vào tháng 12/2016, đáp ứng được tiêu thoát nước của những trận mưa dưới 100 mm/2 giờ. Tuy nhiên, dự án này chủ yếu tiêu úng cho 4 quận nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch (Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) và một số khu vực lân cận; các khu vực quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông... đều không nằm trong phạm vi điều tiết của dự án.


Mở rộng hệ thống thoát nước theo quy hoạch


Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nội thành Hà Nội chỉ có hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch được cải tạo đồng bộ, có thể chủ động chống ngập, 3 lưu vực còn lại gồm lưu vực sông Nhuệ, Hà Đông, Long Biên chủ yếu dựa vào tự chảy nên mưa to, các khu vực trên vẫn sẽ bị ngập.


“Nguy cơ ngập lớn nhất là các khu đô thị phía Tây thành phố gồm các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm hiện chủ yếu phụ thuộc vào tự chảy qua hệ thống thoát nông nghiệp ra sông sông Nhuệ. Khi mực nước sông Nhuệ dâng cao thì khả năng thoát nước kém. Do đó, giải pháp trước mắt để hạn chế ngập khu vực phía Tây thành phố là nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước hiện có. Về lâu dài, Sở Xây dựng cùng các đơn vị hữu quan đề xuất các dự án đầu tư, xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống thoát nước phù hợp với quy hoạch”, ông Võ Nguyên Phong cho biết.


Theo các chuyên gia quy hoạch, tình trạng ngập lụt tại Hà Nội tồn tại nhiều năm qua, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến giao thông, việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân…Về khách quan, Hà Nội là thành phố có địa hình trũng thấp, cao độ trung bình khu vực nội thành chỉ từ 6 – 6,5m so với mực nước biển, độ dốc dưới 10% chiếm 54,5% diện tích toàn thành phố. Vào các tháng mùa mưa, mực nước sông Hồng vượt mức báo động I, không thể thoát tự chảy, phải bơm cưỡng bức ra sông dẫn đến nguy cơ ngập lụt. Bên cạnh đó, đô thị hóa và gia tăng dân số đô thị cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại Hà Nội. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, quy hoạch thoát nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt thành phố chưa có hệ thống giám sát, cảnh báo và điều hành đồng bộ chống ngập.


Để giải quyết triệt để ngập úng ở Hà Nội, ngoài đầu tư hệ thống cống hóa, mở rộng kênh mương, nạo vét những hồ hiện có, Hà Nội sớm đào thêm hồ điều hòa, kết nối đồng bộ hạ tầng thoát nước để nâng cao năng lực tiêu thoát, xây dựng trung tâm điều hành chống ngập và hệ thống quan trắc, cảnh báo.


Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị (HĐND) Hà Nội cho biết: Trong tháng 9/2017, Ban đô thị (HĐND) sẽ tiến hành giám sát hệ thống thoát nước Hà Nội. Căn cứ vào kết quả giám sát, đoàn sẽ có những kiến nghị cũng như tháo gỡ những khó khăn, bất cập đối với hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội.


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Hà Nội: Giải tỏa vi phạm dòng chảy ảnh hưởng đến thoát nước mùa mưa
Hà Nội: Giải tỏa vi phạm dòng chảy ảnh hưởng đến thoát nước mùa mưa

Hiện nay còn nhiều điểm công trình thi công vi phạm dòng chảy trên hệ thống sông, mương ở Hà Nội, gây khó khăn trong tiêu thoát nước, gây nguy cơ ngập úng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN