Hà Nội khó khăn huy động lực lượng tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi

Hiện nay, các địa phương có lợn bị mắc bệnh dịch tả châu Phi ở Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động lực lượng tiêu huỷ lợn mắc dịch tả lợn châu Phi do thiếu quy định hỗ trợ chi phí, phương tiện; trong khi đó thù lao chi trả cho lực lượng tiêu hủy lợn rất thấp.

Chú thích ảnh
Lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi được Hà Nội tiêu hủy. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, virus dịch tả lợn châu Phi tồn tại lâu ngoài môi trường, nguồn lây nhiễm đa dạng, nhất là trong các sản phẩm của lợn chưa qua xử lý bằng nhiệt nên rất khó phòng ngừa kiểm soát.

Bên cạnh đó, lực lượng trực tiếp tham gia các hoạt động phòng chống dịch tả lợn châu Phi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về vệ sinh phòng bệnh. Trong khi đó, quỹ đất dành cho việc chôn lấp, quản lý hố chôn cũng rất khó khăn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, cơ chế chính sách bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia chống dịch chưa phù hợp nên việc huy động lực lượng phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 32/32 xã, thị trấn; 171/216 thôn, tổ dân phố; với 1.247/6.956 hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh (chiếm 17,95% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi); tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 15.817/248.200 con (chiếm 6,37% tổng đàn); tổng trọng lượng tiêu hủy trên 1.100 tấn.

Thực tế, tại các địa phương, phần lớn lao động trẻ, khỏe đi làm ăn xa quê hương nên rất khó huy động tham gia. Đơn cử, tại huyện Mỹ Đức, lực lượng nòng cốt trong Tổ vệ sinh môi trường và Tổ tiêu hủy lợn của xã Phúc Lâm chủ yếu do công an xã và dân quân tự vệ đảm nhận. Công việc vất vả, làm việc trong môi trường độc hại, thời gian làm việc kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 20-21h, không có ngày nghỉ… nên một số người đã xin nghỉ với lý do sức khỏe không bảo đảm. Để kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh, giảm nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, xã Phúc Lâm phải thuê thêm người.

Tuy nhiên, do thù lao chi trả cho lực lượng tiêu hủy lợn chỉ được 100 nghìn đồng/ngày làm việc và 200 nghìn đồng/ngày nghỉ, dịp lễ... nên xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê lao động.

Theo ông Nguyễn Huy Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Khai Thái huyện Phú Xuyên, để kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng hướng dẫn, xã đã thuê 3 xe vận chuyển lợn đi tiêu hủy. Ngày đầu, chủ phương tiện chấp thuận mức thuê 80.000 đồng/chuyến song do thời gian thường trực ở xã kéo dài nên chủ phương tiện đề nghị tăng lên mức 150.000 đồng/chuyến. Ngoài ra, xã còn phải thuê máy xúc nhỏ để đào hố tiêu hủy... Trong khi đó, trong các quy định hiện hành, để thực hiện những phát sinh trên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể…

Để nâng cao chất lượng việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các quận, huyện, thị xã đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách bồi dưỡng phù hợp cho người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật. Với mức hỗ trợ như hiện nay là không phù hợp nên rất khó để huy động mọi thành phần tham gia. 

Các đơn vị cũng đã đề nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ kinh phí thuê máy móc, nhân công nhằm phục vụ việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nam Giang (TTXVN)
Cà Mau đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3
Cà Mau đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3

Theo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau, vào chiều ngày 7/6, Chi cục thú y vùng VII đã có thông báo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Chi cục chăn nuôi và thú y Cà Mau gửi về, qua đó, mẫu bệnh phẩm lại tiếp tục được xác định dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN