Đồng Nai giảm mức hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Do giá thị trường thịt lợn giảm sâu so với thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi, cùng với thông tin người chăn nuôi có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; căn cứ tình hình phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định điều chỉnh giảm mức hỗ trợ.

Chú thích ảnh
Đàn lợn tại một hộ nuôi ở Đồng Nai. Ảnh minh họa: Thu Hiền/TTXVN

Theo đó, đối với lợn con theo mẹ hỗ trợ giảm xuống còn 216.000 đồng/con; lợn con cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi giảm xuống 375.000 đồng/con; lợn thịt từ 2-4 tháng tuổi giảm xuống 1,44 triệu đồng/con; lợn thịt, lợn giống hậu bị từ 4 thàng tuổi giảm xuống còn 2,16 triệu đồng/con; lợn nái, lợn giống đực đang khai thác giảm xuống 3,24 triệu đồng/con.

Trước đó, ngày 27/4/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định 1280 về việc ban hành quy định tạm thời cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Theo đó, chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn chết do bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả châu phi buộc phải tiêu hủy để đề phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ những như sau: lợn con theo mẹ hỗ trợ 300.000 đồng/con; lợn con cai sữa đến 2 tháng tuổi được hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2-4 tháng tuổi 2 triệu đồng/con; lợn thịt, lợn giống hậu bị từ 4 tháng tuổi 3 triệu đồng/con; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác 4,5 triệu đồng/con.

UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết đến nay các huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu đã lập thủ tục và hỗ trợ cho 4 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi với số tiền 1,545 tỷ đồng, các hộ còn lại đang hoàn thất thủ tục hỗ trợ.

Bà Lương Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (địa phương đầu tiên của Đồng Nai xuất hiện dịch tả lợn châu Phi) cho biết, thực tế cho thấy mức hỗ trợ đối với lợn bị tiêu hủy do mắc dịch tả châu Phi của Đồng Nai khá cao. Do đó, có biểu hiện một số hộ chăn nuôi lơ là trong phòng chống dịch. “Họ nghĩ rằng nhận hỗ trợ của nhà nước dễ hơn so với phòng chống và tiêu hủy lợn mắc bệnh nên ỷ lại", bà Lan nhận định.

Ông Nguyễn Quang Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho rằng với mức hỗ trợ đối với lợn mắc bệnh tả châu Phi bị tiêu hủy cao như hiện nay sẽ dễ dẫn đến tâm lý lơ là trong phòng chống dịch và ỷ lại chờ hỗ trợ.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, việc Đồng Nai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy do mắc dịch tả châu Phi trong vòng 15 ngày như thời gian qua cho thấy sự quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng cần phải điều chỉnh lại mức hỗ trợ cho phù hợp.

Đồng Nai là địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước với trên 2,5 triệu con. Đến thời điểm hiện nay, dịch tả châu Phi đã lây lan đến 33 hộ thuộc 13 xã của 4 huyện trên địa bàn Đồng Nai với số lợn tiêu hủy 7.301 con.

Sỹ Tuyên (TTXVN)
Bình Thuận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Bình Thuận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Ngày 7/6, Ủy ban nhân dân hai huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận công bố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Như vậy, tính tới thời điểm này, Bình Thuận là tỉnh thứ 54 trong cả nước đã có dịch này xuất hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN