Hà Nội dần 'xóa sổ' điểm trông giữ xe gầm cầu

Thời gian gần đây, dư luận bức xúc trước tình trạng "xẻ thịt" gầm cầu tổ chức trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, khiến người dân lo lắng. Các cơ quan chức năng đang quyết liệt vào cuộc, nhưng để dẹp bỏ thì còn gặp nhiều tồn tại và khó khăn.

* Giải pháp tình thế

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Gầm cầu thuộc kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ nhu cầu giao thông. Trong thực tế, hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở Thủ đô mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân do đó giải pháp tình thế là phải sử dụng tạm thời một số lòng đường, vỉa hè, các vị trí khu vực gầm cầu vượt có đủ điều kiện làm điểm đỗ xe để giải quyết nhu cầu gửi xe trước mắt của người dân.


Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng. Nguồn: thanhnien.com.vn.


Thời gian qua, nhu cầu đỗ xe của người dân ngày càng bức xúc, do thiếu điểm đỗ, các phương tiện dừng đỗ lộn xộn, không đúng nơi quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Sở Giao thông Vận tải đã cấp phép tạm thời tại một số khu vực gầm cầu theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội để đáp ứng một phần giao thông tĩnh trên địa bàn, đồng thời phục vụ công tác quản lý bảo vệ chống lấn chiếm, chống đổ phế thải tại các khu vực gầm cầu.

Sở chỉ cấp tạm thời trong thời gian từ 3- 6 tháng, tối đa là 1 năm, sau khi các đơn vị đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và có phương án về tổ chức giao thông, không ảnh hưởng đến giao thông của khu vực. Trên thực tế, các khu vực gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, cầu Thanh Trì... đều đã được đưa vào khai thác trông giữ xe, với số lượng phương tiện gửi tại đây rất lớn. Việc tổ chức trông giữ xe ở đây trước mắt đã kịp thời giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân, song cũng không tránh khỏi ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Về chủ trương cho phép tạm sử dụng gầm cầu để tổ chức trông giữ xe, ngày 7/6/2010, Thành ủy Hà Nội có Thông báo số 312-TB/TU kết luận của Thường trực Thành ủy về đề án "Nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố", trong đó giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, trước mắt xem xét tận dụng tạm thời gầm cầu vượt để tổ chức trông giữ xe, kết hợp với triển khai các bãi đỗ xe quy mô tập trung, hiện đại, lâu dài theo phương án ngầm, nổi hoặc cao tầng để đáp ứng nhu cầu cấp bách về điểm đỗ, bãi đỗ xe trên phạm vi các quận nội thành. Trong khi chưa có quyết định thu hồi, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại điểm trông giữ xe gầm cầu Thanh Trì và gầm cầu Thăng Long (khu vực này do Tổng công ty Đường sắt quản lý, chưa bàn giao cho thành phố Hà Nội).

Nói về nguy cơ gây cháy nổ tại các điểm trông giữ xe gầm cầu, ông Nguyễn Xuân Tân khẳng định: Từ trước đến nay, trong quá trình cấp phép, quản lý, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả các đơn vị phải có phương án phòng chống cháy nổ, phương án và phải được cơ quan chức năng của thành phố phê duyệt. Nếu để xảy ra cháy nổ thì đơn vị được cấp phép phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Lực lượng liên ngành cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các điểm trông giữ vi phạm.

Việc này được làm rất quyết liệt, do đó các chủ trông giữ cũng đã có ý thức tuân thủ quy định phòng chống cháy nổ. Sở cũng không cấp phép cho bất kỳ một đơn vị nào sử dụng sai mục đích như làm xưởng sửa chữa, rửa xe, kho bãi. Trường hợp có đơn vị được giao tự ý sử dụng sai mục đích, sai nội dung giấy phép, Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm, nếu tái phạm sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép.

* Dần "xóa sổ" các điểm trông giữ xe gầm cầu


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm đỗ xe, trông giữ xe; kiểm tra, rà soát sắp xếp lại các điểm đỗ xe, trông giữ xe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, đầu năm 2013, Sở Giao thông Vận tải đã ra thông báo thu hồi, giải tỏa điểm trông giữ xe, tại các khu vực gầm cầu Chương Dương, cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở, khu đất trống tại ngã ba Đào Tấn - Bưởi. Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó phòng Giao thông Đô thị, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tới đây, những khu vực gầm cầu này sẽ được trồng cây xanh, thảm cỏ, kết hợp trang trí và chiếu sáng, đảm bảo mỹ quan đô thị đúng như mục đích ban đầu.

Việc làm này là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, tại các khu vực gầm cầu đã giải tỏa người dân lại đang loay hoay không biết để xe ở đâu. Theo ông Tùng, khu vực phố cổ như Mã Mây, Hàng Buồm, Hàng Giầy..., người dân trong các ngõ ngách đang kiến nghị với UBND phường cho phép các hộ để một hàng xe sát mép tường bên ngoài hè đường và dùng xích sắt để xích các xe lại với nhau, trong trường hợp mất xe các hộ dân này tự chịu trách nhiệm. Điều này cho thấy, hậu giải tỏa các điểm trông giữ xe gầm cầu, việc giải quyết điểm trông giữ xe cho người dân vẫn còn rất nan giải.

Bên cạnh việc "xóa sổ" các điểm trông giữ xe gầm cầu, thành phố cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng bãi đỗ xe, đặc biệt trong nội đô để gầm cầu được trả lại đúng chức năng phục vụ giao thông còn người dân có chỗ tin cậy, an toàn để gửi phương tiện, thành phố giải quyết được vấn đề dân sinh bức xúc tồn tại lâu nay.


Tuyết Mai
Hà Nội tăng phí sử dụng hè, lề đường, bến bãi để trông giữ xe ô tô

Chiều 6/12, HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 7 loại phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN