Giữa tháng 6, vụ lúa chiêm sắp kết thúc, cánh đồng huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) còn nhiều thửa ruộng chưa thu hoạch. Đây là số diện tích bị "lúa ma", hay còn gọi lúa bị thoái hóa giống.
Hiện có ba loại "lúa ma" xuất hiện trên cánh đồng huyện Thanh Liêm là loại cây cao, hạt thóc râu dài; loại cây thấp, hạt thóc có râu và loại cây lùn, hạt thóc không râu.
"Loại cây cao còn dễ nhận biết, loại cây lùn rất khó vì lẫn với lúa thường. Loại này rất dễ rụng, chỉ cần cơn gió thoảng qua hoặc khi chín dùng tay gạt nhẹ là hạt rụng gần hết", bà Trịnh Thị Huấn (thôn Lời, xã Thanh Lương) cho biết.
Ngoài đặc điểm dễ rụng, hạt có tua, loại này có khả năng sống rất dai. Trong điều kiện chôn sâu dưới đất ngập nước, chỉ sau một tháng "lúa ma" lại mọc lên đạt tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Chúng sinh trưởng mạnh, lấn át lúa trồng. Sau khi trổ bông, chúng đổ xuống và kéo theo cả lúa thường.
"Lúa ma" xuất hiện ở huyện Thanh Liêm 3 năm nay, tới vụ chiêm này bùng phát mạnh. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất ở các xã Thanh Hà, Thanh Bình, Thanh Thủy, Thanh Hương và Thanh Nghị, trong đó 12,7 ha không thể thu hoạch.
Theo ông Thắng, nếu mật độ 100 hạt "lúa ma" trên một m2 thì sẽ làm giảm năng suất lúa trồng khoảng 30%, còn 1.000 hạt/m2 thì làm giảm đến 90%. Việc diệt trừ rất khó khăn do chưa có loại thuốc diệt cỏ đặc trị mà không ảnh hưởng tới lúa trồng.