Giám định bảo hiểm y tế và bác sĩ chưa có 'tiếng nói chung'

Việc xuất toán khám chữa bệnh trong bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế tư nhân đang gặp phải nhiều bất cập; đội ngũ giám định viên bảo hiểm xã hội không đủ năng lực để giám định, nhiều vấn đề chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh chưa hiểu rõ đã gây ra những ức chế cho bác sĩ và làm tổn thương người dân.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có 444 cơ sở y tế tư nhân, hầu hết các các cơ sở này đều thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đa số những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được áp dụng ngay mức giá có tiền lương của nhân viên y tế, trong khi các bệnh viện công lập chỉ có đơn vị tự chủ mới được áp dụng.


Tại buổi đối thoại chính sách pháp luật và bảo hiểm y tế giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc phòng khám Đa khoa Y Đức (Đồng Nai) đã đưa ra một thực trạng rất phổ biến hiện nay đó là bất cập trong việc xuất toán bảo hiểm y tế. Các bác sĩ và nhân viên y tế thay vì phải dành thời gian đầu khám bệnh thì phải chăm chăm ghi chép làm sao cho hợp lý để không bị xuất toán. "Bác sĩ giỏi không phải là bác sĩ chữa bệnh tốt mà là không bị xuất toán", bác sĩ Lực chia sẻ thêm.

Nên khoán mức chi bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế để đảm bảo quỹ. Ảnh: CTV

Đồng quan điểm, bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Giám đốc bệnh viện Vạn Phúc (Bình Dương) cho rằng, năng lực của các giám định viên bảo hiểm y tế còn hạn chế, nhiều vấn đề chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh chưa hiểu rõ dẫn đến khó tìm thấy tiếng nói chung và các bệnh viện thường bị xuất toán.


Bên cạnh đó, Giám đốc bệnh viện Vạn Phúc còn chỉ ra những bất cập và không sát thực tế trong các văn bản chính sách bảo hiểm y tế cần phải được tháo gỡ. "Đơn cử như theo quy định một bác sĩ ở bệnh viện hạng 3 không được khám quá 35 bệnh nhân/ngày, bệnh viện trung ương chỉ được khám 45 bệnh nhân/ngày, như vậy những bệnh nhân từ thứ 36 hoặc 46 phải đi đâu? Liệu bác sĩ có dám đứng dậy khi mà bệnh nhân đã ngồi chờ cả ngày để được khám bệnh?", ông Tuất nói.


Bác sĩ Nguyễn Duy Bách, Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện Sài gòn ITO Đồng Nai, cũng đưa ra một ví dụ rất cụ thể về việc bất cập trong xuất toán bảo hiểm y tế mà nhiều đơn vị y tế tư nhân cũng đang gặp phải là bị truy thu xuất toán với những quy định mới chưa biết. Chẳng hạn, ngày 19/12 bảo hiểm mới đưa văn bản xuất toán, nhưng thay vì hướng dẫn quy định cho tháng 1 năm sau thì lại xuất toán từ ngày 1/7 của năm trước. Nếu không có văn bản hướng dẫn thì làm sao các cơ sở khám chữa bệnh biết được những quy định, như một bác sĩ chỉ được khám 45 bệnh nhân/ngày, một máy MR chỉ được dùng cho 16 ca...


"Chúng tôi sẵn sàng đồng hành để bảo vệ quỹ bảo hiểm, song có những việc áp đặt xuất toán bảo hiểm giải thích không thuyết phục. Bên cạnh đó, chế độ chính sách giữa các tỉnh, các địa phương chưa có sự đồng bộ", bác sĩ Bách cho hay.


Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tăng cường đội ngũ giám định viên theo dõi, giám sát các cơ sở y tế như hiện nay thì nên khoán mức chi bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế. Bởi khi khoán như vậy, tiền bảo hiểm y tế đã là tiền của chính các bệnh viện, phòng khám và lúc đó họ sẽ tự tìm cách để không bị bội chi.


Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có hơn 3.000 cán bộ giám định nhưng cũng chỉ có hơn 1.000 cán bộ y tế trực tiếp làm, còn lại là cán bộ luật, tài chính, kế toán. Ông Thảo khẳng định: "Chất lượng cán bộ giám định viên không phân biệt giữa y tế tư nhân với y tế công lập. Tuy nhiên, các cơ sở y tế tư nhân tiếp cận với các văn bản pháp luật còn chậm và chưa kịp thời".


Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng hiện nay các cơ sở y tế tư nhân chưa được thực hiện đúng các quy định trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà Bộ Y tế yêu cầu như: Thực hiện dịch vụ kỹ thuật vượt định mức, vượt thời gian quy định; đề nghị xin được xuống hạng bệnh viện mặc dù quy mô, nhân lực không thay đổi; sử dụng bác sỹ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; bác sỹ tại cơ sở công lập khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân vượt quá 200 giờ/năm; không thông báo và phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc mua, đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế; sử dụng biệt dược gốc tỷ lệ cao.


Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội y tế tư nhân, kiến nghị Bảo hiểm xã hội cần có chính sách công bằng với các cơ sở y tế tư nhân, đồng thời thống nhất, đồng bộ trong việc thực thi chính sách về bảo hiểm y tế giữa các địa phương trên cả nước, tránh tình trạng địa phương này áp dụng theo thông tư này, địa phương khác lại áp dụng theo nghị định khác.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Hà Nội sẽ tăng viện phí với người không có thẻ bảo hiểm y tế từ 1/8
Hà Nội sẽ tăng viện phí với người không có thẻ bảo hiểm y tế từ 1/8

UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình số 80/TTr gửi Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về việc ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN