Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1/7:

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Cùng với sự phát triển kinh tế và hệ thống an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm y tế đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Người dân đã nhận thức được lợi ích thiết thực của bảo hiểm y tế đối với mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Do đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là với bệnh nhân khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Tiếp cận tối đa các dịch vụ tiên tiến

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2017, cả nước có 76,27 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt trên 82% dân số. Như vậy, còn gần 18% dân số (khoảng hơn 17 triệu người) chưa tham gia bảo hiểm y tế.

Phần lớn những người này tham gia theo hộ gia đình, người cận nghèo, lao động tự do, lao động làng nghề, nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình, học sinh – sinh viên và một số lao động ở doanh nghiệp nhỏ chưa được chủ lao động đóng bảo hiểm y tế. Đối với các nhóm đối tượng này, khả năng về kinh tế chính là rào cản tiếp cận với thẻ bảo hiểm y tế.

Việc mở rộng quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế giúp cho người có thẻ bảo hiểm tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Nhiều danh mục thuốc tốt được sử dụng trong lĩnh vực điều trị ung thư, các bệnh mãn tính như tim mạch đều được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

Các loại thuốc tân dược và nhóm thuốc từ dược liệu thuộc phạm vi chi trả từ quỹ Bảo hiểm y tế theo danh mục của Bộ Y tế đã đáp ứng được nhu cầu điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như can thiệp tim mạch, mổ tim hở, phẫu thuật bằng dao gamma; tạo hình vòm sọ và thay khớp; van dẫn lưu nhân tạo… đã được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

Theo Bộ Y tế, công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà đã góp phần làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Quy trình khám bệnh ngoại trú đã giảm từ 12- 14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh (trung bình giảm 48,5 phút/lượt khám bệnh).

Tình trạng nằm ghép khu vực nội trú cũng giảm nhiều. Năm 2012, nằm ghép ở tuyến Trung ương là 58%, tuyến tỉnh 47%. Đến năm 2016, số bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 3 người trở lên/giường bệnh chỉ chiếm 4,4% (tuyến tỉnh), 7,3% (tuyến huyện) và 1,5% (bệnh viện tư nhân và y tế bộ/ngành).

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã giảm thủ tục và thời gian chờ đợi của bệnh nhân; công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả. Cùng với đó, ngành Y tế cũng đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và mở rộng nhiều bệnh viện, tăng đáng kể tỷ lệ giường bệnh/vạn dân.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, hầu hết các bệnh viện lớn, các chuyên khoa quan trọng dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể tránh được hiện tượng quá tải như: Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương… Nguyên nhân là do hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh. Vì vậy, người dân không yên tâm khám chữa bệnh ở cơ sở, tìm đến các tuyến Trung ương.

Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

Đăng ký khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT tại Thanh Hóa. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, từng bước thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế và bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế đã giúp tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng lên vì được hưởng nhiều quyền lợi khi khám chữa bệnh.

Mặt khác, khi giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng khám chữa bệnh cũng phải tăng theo vì các chi phí đã được tính toán đầy đủ buộc cán bộ y tế phải nâng cao ý thức trách nhiệm. Cùng với đó, Nhà nước sẽ giảm chi ngân sách cho các chi phí trực tiếp và lương. Bộ Y tế sẽ tham mưu xây dựng các chính sách về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế theo hướng công bằng cho các đối tượng yếu thế, đối tượng người nghèo, cận nghèo, người sống ở vùng khó khăn; đồng thời, xây dựng quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chặt chẽ.

Ngành Y tế cũng xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện theo lộ trình: Từ ngày 1/7/2017, các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ liên thông các kết quả xét nghiệm của nhau; chậm nhất đến ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I.

Đến năm 2020 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm của các bệnh viện cùng địa bàn tỉnh, thành phố và đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm ở tất cả các bệnh viện trong toàn quốc.

Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã; xây dựng, đề xuất việc phân bổ ngân sách cho trạm y tế xã, ngân sách chi cho việc quản lý sức khỏe của từng người dân, quản lý các bệnh mạn tính, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng ưu tiên khác.

Để ngăn chặn hành vi cố tình gian lận trục lợi bảo hiểm y tế và phát huy hiệu quả của chính sách bảo hiểm y tế, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố rà soát lại các hồ sơ thanh toán sai thông tin về thẻ bảo hiểm y tế; sai mức hưởng; các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế ngoài phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế.

Đồng thời, Bộ yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt việc khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí đối với người bệnh bảo hiểm y tế, chống hành vi lạm dụng trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế. Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian tới, để người dân tiếp tục tham gia và tham gia lâu dài bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp còn trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động để yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật; khắc phục những vướng mắc về thủ tục hành chính đối với nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình.

Các đại lý bảo hiểm y tế cần thể hiện tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chủ động tiếp cận hộ gia đình để phổ biến, giải thích, hướng dẫn việc tham gia bảo hiểm y tế… giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế…

Thu Phương (TTXVN)
 Chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế
Chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế

Hỏi: Mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được miễn giảm như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN