Chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình hướng đến hỗ trợ học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn Thành phố có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng qua đời do dịch COVID-19. Thời gian thực hiện trong năm học 2021 - 2022, bắt đầu từ ngày 1/10/2021 cho đến hết năm học theo chương trình của ngành giáo dục.
Đội hình gia sư gồm các tình nguyện viên là sinh viên thuộc các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn Thành phố có học lực đạt loại khá trở lên, ưu tiên sinh viên khối ngành sư phạm, tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội; giáo viên năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh và nhà thiếu nhi các quận huyện, thành phố Thủ Đức; tổng phụ trách đội các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và các đối tượng khác có nguyện vọng tham gia, có chuyên môn phù hợp chương trình.
Theo kế hoạch, trong tháng 9, Hội đồng Đội Thành phố phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn – Hội đồng Đội các quận, huyện và thành phố Thủ Đức lập danh sách, khảo sát các thông tin cơ bản về hoàn cảnh, điều kiện học tập, nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Từ kết quả khảo sát, mỗi học sinh được xác lập một chương trình hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh, học lực và tình trạng sức khỏe tinh thần. Đến ngày 1/10/2021, chương trình sẽ chính thức triển khai.
Dự kiến, trong học kỳ I năm học 2021 - 2022, các gia sư tổ chức ôn tập và dạy kèm dưới hình thức trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình của ngành giáo dục, tập trung vào các môn học sinh còn hạn chế để các em phát triển đều các môn học. Hình thức học tập sẽ tổ chức theo nhóm 1 sinh viên tình nguyện hướng dẫn từ 1 đến 2 học sinh, tập trung hỗ trợ nhóm học sinh cuối cấp, ôn thi vào lớp 6, lớp 10, đại học.
Trong học kỳ II, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các gia sư tình nguyện sẽ giảng dạy trực tiếp tại nhà học sinh kết hợp với trực tuyến. Xuyên suốt quá trình triển khai, chương trình cũng sẽ hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, đường truyền, thiết bị học tập trực tuyến để học sinh khó khăn duy trì việc học.
Bên cạnh đó, chương trình “Gia sư áo xanh” còn triển khai các hoạt động theo dõi, nắm bắt tâm lý, kịp thời tư vấn cho học sinh các vấn đề về sức khỏe tinh thần với hình thức như: tổ chức chuyên đề tư vấn tâm lý; tạo sân chơi trực tuyến, giới thiệu sách, các kênh thông tin, trang web phù hợp giúp các em giải tỏa lo lắng... Các gia sư tình nguyện sẽ kết nối với phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh để tư vấn các giải pháp để phụ huynh, người giám hộ cùng hỗ trợ học sinh học tập, nâng cao sức khỏe tinh thần, kịp thời thông tin các vấn đề liên quan đến học sinh.
Bạn Hoàng Thị Như Ngọc, sinh viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đại diện cho nhóm tình nguyện viên hỗ trợ xây dựng chương trình học của “Gia sư áo xanh” cho biết, chương trình có sự phối hợp với ngành Giáo dục để triển khai trong hệ thống giáo dục; kết nối các lực lượng, nguồn lực xã hội để hỗ trợ về vật chất, tinh thần và các điều kiện cần thiết cho các em trong việc học tập trực tuyến. Lực lượng tình nguyện tham gia được tập huấn, quán triệt kỹ; đảm bảo các quyền của trẻ em trong quá trình tổ chức thực hiện. “Tôi và các bạn đều xác định mình không chỉ là thầy, cô hướng dẫn mà còn là những người anh, người chị luôn theo dõi, đồng hành cùng các em trong suốt quãng đường sắp tới", Như Ngọc chia sẻ.