Gia Lai: Ngăn chặn lừa đảo đưa người lao động sang Campuchia làm việc trái phép

Ngày 9/7, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đã có báo cáo về vấn đề lừa đảo người lao động trên địa bàn tỉnh sang Campuchia làm việc trái phép đến Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai. Qua đó, tỉnh Gia Lai đã tiến hành triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tái diễn tình trạng lừa đảo này đến các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở để cảnh báo, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

Chú thích ảnh
5 nạn nhân trong vụ đưa người bán sang Campuchia được lực lượng biên phòng tỉnh Gia Lai kiểm tra sức khỏe sau khi về địa phương. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, để có sự tập trung, thống nhất chỉ đạo trong hệ thống chính trị của tỉnh đối với việc ngăn chặn, phòng ngừa các hoạt động lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên ở khu vực nông thôn để lừa đảo đưa ra nước ngoài trái phép gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở cơ sở, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là người dân ở nông thôn. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các Ban đảng Tỉnh ủy, cấp ủy, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các địa phương phối hợp với ngành chức năng trong tỉnh tăng cường nắm bắt tình hình, tổ chức tuyên truyền, cảnh báo và đề nghị người dân cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội.

UBND tỉnh Gia Lai cảnh báo người dân trên địa bàn, trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài  cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó thế nào. Đồng thời, tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh. Đặc biệt, sau khi phát hiện thông tin về đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo ngay cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Cũng theo bà Lịch, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đã đề xuất Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa gạt tuyển mộ công dân Việt Nam sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao song thực chất là xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ, bị cưỡng bức lao động, ngược đãi và bị cưỡng đoạt tài sản. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai cũng đề xuất Tỉnh ủy chỉ đạo Ban nội chính Tỉnh ủy theo dõi, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, kịp thời đấu tranh đối với các đối tượng có hành vi lừa đảo đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài trái phép và vấn đề mua bán người trên địa bàn tỉnh, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo văn bản số 1190, ngày 4/7/2022 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, qua xác minh ban đầu của các ngành chức năng, trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai), có 9 công dân bị lừa đưa trái phép sang Campuchia và bị tống tiền. Trong 9 công dân bị lừa sang Campuchia, có 8 người dân tộc Jrai và 1 người dân tộc Kinh; hầu hết những công dân bị lừa sang Campuchia để làm việc là những người dân thiếu hiểu biết, có trường hợp không có giấy tờ tùy thân. Các trường hợp lừa đảo có trường hợp thông qua quen biết, có trường hợp liên hệ qua mạng xã hội. Các trường hợp bị đưa trái phép qua Campuchia muốn trở về Việt Nam đều bị buộc đưa tiền chuộc mới cho về, số tiền yêu cầu từ 50-150 triệu đồng/người.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bắt giữ đối tượng Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) là đối tượng trực tiếp lôi kéo, dụ dỗ 7 thanh niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai và đưa 7 thanh niên này vượt biên trái phép sang Campuchia, vào làm việc trong một công ty của người Trung Quốc. Hiện đối tượng Trần Quang Quyết và hồ sơ vụ án đã được Đồn biên phòng Ia O bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai để tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

Trên cơ sở nội dung báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đối với hành vi lừa đảo lao động sang nước ngoài.

Hồng Điệp (TTXVN)
Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được vay vốn 100 triệu đồng
Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được vay vốn 100 triệu đồng

Theo Nghị quyết của Chính phủ, người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở Hàn Quốc theo Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam trong Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN