Quán bánh canh ‘bình ổn’ cho người lao động

Gần 5 năm nay, quán bánh canh nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) của vợ chồng anh Trần Thanh Phương chỉ bán với giá 10.000 đồng và quyết không tăng giá nhằm"bình ổn" cho người lao động.

Nhiều người nghĩ, tô bánh canh với giá 10.000 đồng thì chắc là không ngon, không có gì để ăn, thế nhưng khi tới quán “bánh canh Mỹ Tho 10k” của vợ chồng anh Phương, nhiều người không khỏi bất ngờ. Bởi tô bánh canh chỉ 10.000 đồng nhưng vẫn đầy đủ thịt, da heo, củ cải, tiết vịt, tôm khô… như những quán đắt tiền khác. Gần 5 năm qua, quán vẫn giữ mức giá đó, khách chủ yếu là học sinh, sinh viên, những người lao động có mức thu nhập khiêm tốn.

Chú thích ảnh
“Bán rẻ cho người ta no là được rồi”,  đó là ý nguyện của vợ chồng anh Trần Thanh Phương khi mở quán.
Chú thích ảnh
Đôi tay chị thoăn thoắt múc từng tô bánh canh cho khách.
Chú thích ảnh
Chỗ khách ngồi ăn chỉ vỏn vẹn vài cái bàn và ghế nhựa nằm nép bên hẻm nhỏ.

Nói về việc quán vẫn giữ mức giá như thế trong nhiều năm qua, anh Trần Thanh Phương cười: “Tôi thấy người dân quanh đây mức thu nhập còn thấp, chủ yếu là dân lao động. Bên cạnh đó, ở đây không ai bán món bánh canh bột gạo này nên tôi đã bỏ một năm để nghiên cứu công thức nấu làm sao cho ngon...”.

Chú thích ảnh
Quán vợ chồng anh Phương luôn có người đến mua.

Dù giá rẻ, nhưng nguyên liệu làm nên tô bánh canh ở đây cũng khác biệt và đây là lí do quán luôn đông khách. Theo đó, sợi bánh canh được lấy từ Mỹ Tho (Tiền Giang) lên mỗi ngày. Đây là sợi bánh  làm từ bột gạo, kích thước được anh làm theo khuôn riêng: sợi vừa phải, không quá to, ăn nhiều không bị ngán.

Bên cạnh đó, nước dùng cũng được anh Phương nghiên cứu công thức làm sao để phù hợp khẩu vị của khách. Anh phải dậy từ sớm để ra chợ lựa được những cọng sườn ngon về hầm cùng với củ cải muối, tiết vịt và ruốc làm nước dùng nên vị ngọt thanh mà đậm đà.

Chú thích ảnh
Quán bánh canh nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển (Quận 8).

Quán bắt đầu bán từ 11 giờ trưa cho đến hết (khoảng 18 giờ), mặt bằng được anh chị thuê trong hẻm nên khá nhỏ, chỉ có thể bày trí vỏn vẹn vài bàn ghế nhựa nhưng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào.

Chú Bình (42 tuổi, ngụ Quận 8) một khách quen của quán chia sẻ: “Bánh canh ở đây ngon, giá lại rẻ, sợi bánh canh làm từ bột gạo nên dai và ăn dễ tiêu hơn. Chủ quán thì vui tính nên cũng thành khách ruột từ khi nào không hay”.

Chú thích ảnh
Khách quen của quán đa số là người lao động.

Với tô có giá 10.000 đồng thì có thịt nạc, da, tiết vịt hoặc một cọng sườn. Ngoài tô thông thường, khi khách muốn ăn thêm thì có thể kêu thêm tô đầy đủ sẽ có mực, tôm, giò heo có giá từ 15.000 - 35.000 đồng. Mỗi ngày quán bán vài chục kí bánh canh, có hôm bán cả trăm tô. Khách ăn ở đây một phần là khách quen, được giới thiệu hoặc được “kháo nhau” qua mạng xã hội.

“Giữa tình hình vật giá leo thang như hiện nay, để có thể tìm được một nơi bán bánh canh vừa ngon vừa rẻ như quán của anh Phương giữa thành phố đắt đỏ này thì không phải dễ dàng. Tôi đến ăn ở quán này qua giới thiệu của bạn bè. Mới nghe thì không tin vì làm sao có quán nào bán rẻ đến vậy, rồi nghĩ là không ngon, nhưng đến đây ăn xong thì lại đi giới thiệu cho bạn bè, rồi còn dắt cả người nhà đến đây ăn luôn. Ai cũng khen cả”, chị Thảo, ngụ Quận 8 bày tỏ.

Chú thích ảnh
Xe bánh canh luôn có khách tấp nập khách đến mua.
Chú thích ảnh
Tô bánh canh 10.000 đồng nhưng có đầy đủ thịt, tôm, da heo…
Chú thích ảnh
Khách đến đây ăn thường xuyên là học sinh, sinh viên, người lao động…

Thời điểm này, dù giá xăng dầu tăng cao khiến hầu hết các mặt hàng, dịch vụ đều tăng giá; thậm chí có khoảng thời gian anh chị lâm vào cảnh chật vật, thiếu thốn suýt phải đóng cửa quán, nhưng vợ chồng anh Phương vẫn quyết tâm giữ giá bán 10.000 đồng/tô bánh canh. “Bán không có lời, nhưng được nhiều bà con tới ăn, rồi người ta thương quay lại ủng hộ. Anh sợ tăng giá theo thị trường thì người có hoàn cảnh khó khăn sẽ không có tiền ăn, bán rẻ cũng như làm phước cho người vậy thôi”, anh Phương vui vẻ nói.

Bài, ảnh, clip: Vân Anh/Báo Tin tức
Người giữ lại tuổi thơ giữa lòng thành phố
Người giữ lại tuổi thơ giữa lòng thành phố

Ngày nay, các loại đồ chơi được làm thủ công dường như khá xa lạ với trẻ em thành phố. Bởi vậy, hơn 12 năm qua, chú Nguyễn Văn Nghĩa vẫn miệt mài, mong muốn giữ lại một phần tuổi thơ bằng những con vật làm từ lá dừa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN