Người dân "khát" nước sạch
Nguồn nước nhiễm phèn, gây vàng ố các vật dụng chứa đựng, người dân chỉ sử dụng nước này để tắm, giặt, còn ăn, uống phải sử dụng nguồn nước mưa dự trữ hoặc đến mùa khô hạn phải đi mua nước bình hoặc vét nước từ các sông, suối, giọt nước. Điều đáng nói, nguồn nước bị nhiễm phèn khiến các công trình cấp nước tập trung tại một số thôn, làng gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động vì nguồn nước bơm lên không sử dụng được. Các công trình này được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng không hoạt động, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Toàn huyện Phú Thiện có 14.358 hộ dân, trong đó khoảng 1.000 hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, còn lại đang sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh được lấy từ giếng khoan, giếng đào, có tình trạng nhiễm phèn lâu năm.
Ông Siu Đuy, Trưởng thôn Pông, xã Chư A Thai, cho hay thôn Pông có 80 hộ, 600 khẩu, 100% là người dân tộc Jrai. Nguồn nước người dân trong thôn đang sử dụng là nước được bơm trực tiếp từ giếng khoan lên, không qua hệ thống lọc; có 24 hộ dùng giếng khoan tại gia đình. Tất cả nguồn nước tập trung này được bơm vào 1 bể chứa và bà con trong thôn lấy nước từ bể chứa đưa về gia đình sử dụng. Tuy nhiên, do nguồn nước nhiễm phèn nên người dân không thể sử dụng ăn, uống mà chỉ dùng để sinh hoạt, tắm giặt. Nước ăn hằng ngày được người dân dùng từ nguồn nước mưa dự trữ, đến mùa khô, bà con đi lấy từ giọt nước chảy tự nhiên hoặc đi mua nước bình để sử dụng. Người dân thôn Pông rất mong được nhà nước đầu tư hệ thống nước sạch để bà con đỡ vất vả.
Ông Đinh Tuy (thôn Pông) cho biết, thấy các gia đình khác trong thôn sử dụng nước tập trung bị nhiễm phèn, gia đình ông tự khoan giếng nhưng nước cũng bị nhiễm phèn nặng. Bằng chứng là các chậu, bể đựng nước đều ố vàng, sân giếng cũng vàng theo thời gian, nước có mùi hôi tanh, không thể sử dụng ăn, uống. Gia đình ông nhiều năm nay phải mua nước để nấu cơm, uống, nước giếng khoan chỉ để tắm, giặt.
Tại buôn Bir, xã Ia Yeng, cũng có một công trình nước bơm dẫn trực tiếp từ giếng khoan lên. Đối với công trình cấp nước ở buôn Bir đã có sẵn đài nước và được lắp đặt đồng hồ phục vụ cung cấp nước cho 77 hộ dân với gần 400 người, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước. Do vậy, bà con buôn Bir, xã Ia Yeng cũng cùng chung tình trạng nước nhiễm phèn như thôn Pông, xã Chư A Thai, nên đều không thể sử dụng được nguồn nước này để ăn, uống.
Theo ông Nguyễn Văn Tỵ, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yeng cho biết: "Hiện người dân trên địa bàn đang sử dụng nước tại công trình cấp nước tập trung chưa có hệ thống xử lý nên nước bị nhiễm phèn. Chúng tôi cũng rất mong các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hệ thống lọc nước để bà con có nước sạch, đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho người dân."
Cần nâng cấp công trình nước sạch
Hiện nay, huyện Phú Thiện có 1 trạm cấp nước sạch mới đưa vào sử dụng, hệ thống đường ống chính dẫn nước mới đi qua địa bàn thị trấn Phú Thiện, xã Ia Ake và xã Ayun Hạ chưa triển khai đến các xã khác. Vì vậy, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch (từ trạm cấp nước) ở huyện Phú Thiện rất thấp (hơn 10% dân số được sử dụng nước sạch).
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trạm trưởng Trạm cấp nước sạch Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, cho biết trạm cấp nước sạch Phú Thiện thuộc Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phú Thiện - Ia Pa có công suất 3.000 m3/ngày đêm, hút nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, hiện cung cấp nước cho gần 500 hộ dân tại huyện Phú Thiện. Với nhu cầu bức thiết sử dụng nước sạch của người dân tại huyện Phú Thiện, giai đoạn 2021-2025, trạm cấp nước dự kiến sẽ nâng cấp công trình lên công suất 8.000 m3/ngày đêm để cung cấp nước sạch cho người dân huyện Phú Thiện và Ia Pa.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, trong những năm qua người dân Phú Thiện phải dùng nước sinh hoạt với tỷ lệ nhiễm phèn cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Huyện đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, như đề nghị tỉnh Gia Lai và Trung ương đầu tư công trình nhà máy nước sạch của huyện Phú Thiện và một số công trình nước sạch tập trung để phục vụ người dân. Đến nay, công trình đã đưa vào sử dụng, tuy nhiên do công suất hạn chế, kinh phí kéo ống dẫn về các xã còn cao nên tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch vẫn còn thấp so với dân số của huyện.
"Chúng tôi rất mong tỉnh Gia Lai kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, mở rộng công suất nhà máy nước và đầu tư thêm hệ thống cấp nước để phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời tiếp tục hỗ trợ những nguồn vốn để đầu tư các mô hình nước sạch cho các thôn, làng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số" - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.