Ngự trị trên Đảo Khỉ là một loài thú giống người, còn con người chăm sóc chúng thì chấp nhận gian khổ, thiếu thốn để đem về nguồn lợi kinh tế làm giàu cho đất nước.
Trên Đảo Khỉ đầy đá cuội, rất lộng gió, tàu dừa, cây rừng xào xạc hát ru cùng sóng gió biển, ông Trưởng đảo say sưa kể với khách hết kinh nghiệm chăn nuôi khỉ đến chuyện khỉ sinh sống và phát triển trên đảo:
- Khỉ con năm tháng tuổi tách mẹ, ta có thể nuôi trong nhà như chó, mèo. Một con khỉ hàng hóa từ một năm rưỡi đến hai năm tuổi nặng 2 kg (bằng con gà) là có thể bán được với giá 400 đô la, tương đương hai con trâu tốt. Cũng như Ấn Độ, Clombia, Pêru… nước ta có điều kiện nuôi khỉ xuất khẩu. Nuôi khỉ quả là một vốn bốn, năm lời nhưng không dễ chút nào. Con khỉ muốn bán được, phải đạt các tiêu chuẩn: dáng dễ coi, không bệnh tật. Khỉ thường bị đứt ngón tay, sâu chân, vành tai bị sứt mẻ, có tật ở tứ chi hoặc vì chúng cắn, cấu nhau, hoặc bị xây xát khi leo trèo. Nếu bị một trong các thương tích trên, không xuất được. Và phải là những con khỉ không bị ghẻ lở, chấy rận, không giun sán, đã được tiêm phòng đầy đủ, không có ký sinh trùng sốt rét. Cũng giống như người, khỉ mắc một số bệnh thường gặp như lao, suyễn, thương hàn… Trại có trạm xá, có phòng chữa, nuôi khỉ bệnh, phòng mổ xác khỉ đã chết để lấy bệnh phẩm nghiên cứu, phòng xét nghiệm bạch cầu, hồng cầu, phòng ký sinh trùng. Khỉ bắt ở rừng về thường không đạt tiêu chuẩn, vì thế muốn có khỉ hàng hóa phải có thời gian chăm sóc, chạy chữa, theo dõi, tiêm phòng cho khỉ. Phải bắt đầu từ thế hệ thứ hai, sinh ra ở cơ sở chăn nuôi có khoa học mới tốt. Yêu cầu của người mua là khỉ nuôi chứ không phải khỉ săn bắt ở rừng về. Do đó chỉ có thể mở rộng việc nuôi khỉ ở hộ gia đình theo hình thức gia công kể từ khi sáu tháng tuổi đến khi thành khỉ hàng hóa. Không phải vì việc cho khỉ đẻ khó mà là việc chăn nuôi, theo dõi, lập hồ sơ xác định nguồn gốc rất phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao.
Những biểu hiện tình cảm của loài khỉ thể hiện mức độ tiến hóa cao của chúng so với các động vật khác. |
Cơ sở nuôi khỉ của Viện Vệ sinh dịch tễ là một trong những cơ sở nuôi khỉ còn hiếm trên thế giới cung cấp những điều kiện lý tưởng cho viện nghiên cứu so sánh về sinh thái học cho loài khỉ. Hàng nghìn con khỉ nuôi ở hai hòn đảo đối diện nhau tản mạn trong rừng, mỗi ngày hai lần sáng và chiều nghe tiếng kẻng chúng về chờ người cho ăn. Cùng ông Trưởng đảo, chúng tôi rải lên sàn gỗ trên bãi ăn của khỉ những nắm cơm trộn bột cá, đỗ và hoa quả. Khỉ lia lịa nhặt cho vào mồm nhưng không cắn xé giành giật miếng ăn như loài chó. Dẫu sao thì loài người cũng có thể học được ở loài thú giống người rất nhiều điều. Thí dụ cách khỉ âu yếm và chăm sóc con: Tháng đầu sinh con, khỉ mẹ sẵn sàng liều thân để chăm sóc khỉ con và chăm sóc khỉ khác mẹ. Khỉ con bị chết, khỉ mẹ buồn rầu nhịn ăn.
Thời kỳ đầu, khỉ con bám mẹ không rời, khỉ mẹ nâng niu khỉ con khéo léo nhẹ nhàng tránh cho cục cưng mọi va chạm, khỉ con bắt đầu ăn thức ăn ngoài, khỉ mẹ mới cho khỉ con đi kiếm ăn nhưng được sự quan sát, bảo vệ của khỉ mẹ. Lúc rảnh rỗi, khỉ mẹ đùa giỡn, bắt chấy rận cho con. Ai từng trông thấy cảnh đêm trăng ở rừng, cả gia đình nhà khỉ quây quần bên nhau hôn hít, trò chuyện thật là hạnh phúc và cảm động. Những cử chỉ âu yếm này làm cho các con khỉ cái sắp làm mẹ nhìn ngắm với vẻ thèm muốn. Sau nửa tháng khỉ mẹ bắt đầu tập dượt cho khỉ con những bước nhảy nhót đầu tiên dưới sự theo dõi của khỉ mẹ.
Sau năm tháng, khỉ con cai sữa, khỉ mẹ bắt đầu hướng cho con vào hòa nhập cuộc sống bầy đàn, làm quen với cuộc sống tự lập để sinh tồn, phát triển. Khỉ con sinh ra không thể tồn tại nếu sống tách bầy đàn. Khỉ con sống một mình sẽ chết đói cả khi tay đang cầm thức ăn mà không biết bỏ vào mồm nếu như chưa thấy khỉ mẹ ăn thức ăn đó để bắt chước mẹ. Cuộc sống bầy đàn giúp khỉ con học hỏi tiếp thu kinh nghiệm của những con khỉ sinh ra trước để ngày một khôn ngoan, thông minh, tạo thành sức mạnh bầy đàn. Tình cảm mẹ con, gia đình còn biểu hiện ở nhiều mặt và thể hiện mức độ cao hơn so với nhiều loài khác. Hai bầy khỉ cùng đàn gặp nhau chúng xòe tay ôm chầm lấy nhau tỏ tình cảm hân hoan, thân mật.
Tình cảm đồng đội của khỉ khá cao, khi có một con bị thương thì sống chết con lành cũng cõng con bị thương chạy, không chịu bỏ lại, đồng thời cả bầy vội vàng đi tìm lá thuốc nhai đắp lên vết thương. Với con khỉ bị chết chúng mang xác đến chỗ kín, khuất bới đất thành hố đặt xác xuống, lấy đất, cành cây phủ kín, rồi buồn rầu vĩnh biệt đồng loại.
Đời sống và quan hệ tình dục của khỉ cũng làm cho chúng ta suy nghĩ. Nếu như con người hiểu loạn luân không chỉ tác hại đến đời sau mà còn biểu hiện ở mặt đạo đức suy đồi thì ở loài khỉ cũng vậy. Không bao giờ khỉ giao phối ngược. Chỉ quan hệ huyết thống vào khoảng đời thứ tư, thứ năm trở đi mới xảy ra chuyện tình ái.
Vào mùa xuân, vạn vật hồi xuân, đàn khỉ cũng bước vào mùa yêu đương. Ngày đẹp trời, từng cặp sánh đôi tự tình. Người ta nói nhiều về sự chung tình của loài chim thiên nga, loài khỉ cũng có tình yêu rất sôi nổi, và mãnh liệt. Ở Hòn Rều, lần đầu chúng tôi vô tình tách một cặp khỉ đang yêu đương để đưa một con sang đảo bên nhân đàn, thế là đêm đó cả đôi gào rú gọi nhau thật là thảm thiết. Sau đó con đực lao xuống nước cứ thế vượt biển tìm đến bằng được với con cái. Khi đã tìm được nhau, đôi bạn tình không rời nhau nửa bước.
Khi đón chúng tôi ở cầu tàu, ông Trưởng đảo đã lưu ý nhắc “Quý khách đến thăm đảo phải cẩn thận các hành lý mang theo, đề phòng lũ khỉ ma lanh, chúng đột kích đấy. Bước chân lên đảo thấy cảnh tượng thật lý thú, tôi bỏ mũ lưỡi trai, kính đeo mắt vào ba lô quắc lên cây, mở máy ảnh chụp khỉ ăn, khỉ đùa giỡn chơi với nhau… Khi quay lại lấy túi thì đã bị một con khỉ lấy mũ đội lên đầu, kính đeo mắt, ba lô lên vai ngồi chễm chệ trên chạng cây, nhe răng cười.
Thưa Trưởng đảo - tôi hỏi: Khỉ có tập tính hình thành con đầu đàn như thế nào? Ông Trưởng đảo nhìn lên một gò đất cao, tay ông chỉ một con khỉ đực, to nhất và có lẽ khỏe mạnh khôn ngoan nhất, hai mắt đều đặn tròn trĩnh, mở to như hai hòn bi ve với cái nhìn láo liên, bộ lông rậm mượt, còn hai hàm răng thì hết chê, ông Trưởng đảo cho chúng tôi biết:
Ngự trị trên Đảo Khỉ là một loài thú giống người, còn con người chăm sóc chúng thì chấp nhận gian khổ, thiếu thốn để đem về nguồn lợi kinh tế làm giàu cho đất nước. |
Con khỉ đang ngồi trên gò đất kia là con khỉ đầu đàn ở Hòn Rều này đã gần sáu năm. Thời gian chiếm lĩnh vị trí đầu đàn được bao lâu tùy thuộc vào khả năng của từng con. Chúng tôi đã nhân khỉ lên nhiều lần kể từ ngày đầu ở hòn đảo đối diện nhau. Mỗi hòn đảo có một con khỉ đầu đàn gọi là chúa đảo. Dưới trướng mỗi chúa đảo là con trưởng bầy đều là con khỉ đực to khỏe, cùng với con khỉ đảo chúa quán xuyến khỉ trong một đảo. Khi cần, những con trưởng bầy đứng ra phân xử, giải quyết công việc rất công minh, nhờ đó mà tất cả các bầy khỉ trên đảo luôn luôn có nề nếp. Để chiếm giữ vị trí độc tôn trong đàn, khỉ đầu đàn phải đánh gục các ứng viên khác trong đàn.
Khỉ đầu đàn chiếm giữ đặc quyền đặc lợi trong phân phối thức ăn, trong giao phối để truyền giống với những con khỉ cái tốt nái được nó sùng ái. Hiện tượng trong một đàn khỉ tất cả những con khỉ tốt nái luôn bên cạnh khỉ chúa có thể là hướng tích cực, rất tích cực của quá trình chọn lọc tự nhiên để cho ra đời các thế hệ con cháu được di truyền về tầm vóc, sức khỏe, về trí thông minh để sinh tồn giống nòi chăng? Khi trưởng đàn, trưởng bầy bệnh, lão, tử hoặc khiếm khuyết một phần của cơ thể như sứt răng, què tay chân sẽ bị các thành viên trong bầy đàn phát hiện ra ngay và vị trí cao nhất ấy sẽ bị chuyển giao cho một con khỉ to khỏe nhất có khả năng kế cận. Lúc này con khỉ trưởng đàn, trưởng bầy vừa bị hạ bệ phải quy phục con trưởng mới lên. Khỉ đầu đàn dẫn cả đàn đi kiếm ăn, canh chừng kẻ thù, tìm đường chống trả hay rút lui. Gặp nguy khỉ đầu đàn không tháo chạy thoát thân mà ở lại sống mái với địch thủ cho con cuối cùng trong đàn thoát nạn. Vai trò của con đầu đàn, bầu bầy thật ý nghĩa. Tóm lại khỉ đầu đàn, đầu bầy đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của đàn bầy. Khỉ đầu bầy, đầu đàn không bao giờ tha thứ một hành vi vô kỷ luật của những con khỉ thành viên, đồng thời tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao đối với bầy đàn.
Sau những phút ngồi thuyền vượt ra Đảo Khỉ, thả hồn với trời mây non nước Hạ Long, tận mắt thấy đời sống tự nhiên của một động vật cao cấp - cư dân quý thứ hai sau người, nghe những chuyện tức cười, những chuyện suy nghĩ về khỉ, cảnh hoang sơ, tình người sâu đậm trên Đảo Khỉ ngày càng thu hút nhiều khách tham quan. Chia tay về cuộc sống đất liền, chúng tôi nhớ ông Trưởng đảo cùng mười lăm công nhân viên đang ngày đêm tận tụy với công việc mà không phải ai cũng biết đến.