Kết quả qua 2 đợt khảo sát tại 10 khu vực rừng ở các tiểu khu 452, 455, 457, 459, 462 và 463 thuộc các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế, huyện Ba Tơ, đoàn ghi nhận trực tiếp có 10 đàn với 104 con chà vá chân xám phân bố tại đây. Căn cứ trên kết quả thu thập được đoàn khảo sát nhận định ước tính đang có từ 15 đến 20 đàn chà vá chân xám sinh sống tại rừng phòng hộ Ba Tơ với khoảng 169 con.
Chà vá chân xám thuộc nhóm 1B trong danh mục động vật rừng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, quý hiếm, là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Quảng Ngãi là một trong 6 tỉnh của cả nước được xác định là nơi phân bố của loài chà vá chân xám.
Theo “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, khu vực đề xuất thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ nằm trên địa bàn 4 xã: Ba Vì, Ba Xa , Ba Nam và Ba Lế của huyện Ba Tơ với tổng diện tích đề xuất là 20.139,55 ha bao gồm 9.253 ha vùng lõi, 10.604,71 ha khu vực phục hồi sinh thái, 281,84 ha khu vực hành chính -dịch vụ, và 15.583,45 ha vùng đệm. Khu vực Rừng phòng hộ Ba Tơ tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai). Do đó việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ sẽ hình thành một hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.
Để bảo tồn quần thể chà vá chân xám quý hiếm ở rừng phòng hộ Ba Tơ, đoàn khảo sát kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cần sớm tham vấn, đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản xúc tiến quá trình thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ theo Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2020 - 2030.
Trong quá trình khảo sát, bên cạnh ghi nhận các đàn chà vá chân xám, đoàn đã ghi nhận 2 đàn vượn trung bộ (Nomascus annamensis) qua tiếng hót. Vượn trung bộ là loài linh trưởng quý hiếm, được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục đỏ IUCN ở mức độ Cực kỳ nguy cấp, loài đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị thu hẹp sinh cảnh sống phân bố đặc trưng vì hoạt động khai thác, lấn chiếm rừng của con người.