Bảo tồn nguồn gen quý của Việt Nam - Bài 2:

Gà Đông Tảo - nguy cơ thoái hóa gen

Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, “cơn sốt” gà Đông Tảo bùng nổ. Giống “gà tiến Vua” trong quá khứ trở thành thứ quà biếu sang trọng mà nhiều người hiện đại lựa chọn. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, phong trào nuôi gà Đông Tảo cũng trở nên rầm rộ. Lúc này, nguy cơ thoái hóa về nguồn gen của giống gà quý này cũng hiện ra.

 

“Đổi đời” từ giống “gà tiến Vua”


Gà Đông Tảo (hay gà Đông Cảo) là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam, không nơi nào trên thế giới có. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô, móng ngắn ngủn, da đỏ, thịt đỏ. Khi trưởng thành, gà trống có thể nặng trên 4,5 kg và gà mái nặng trên 3,5 kg. Đây là loại gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Người dân địa phương ngày xưa thường dùng giống gà này để cúng tế - hội hè, hay tiến cống Vua, nên giống gà này còn được gọi là “gà tiến Vua”.


Con gà Đông Tảo thuần chủng giống có giá 10 triệu đồng.


Trải qua thời gian dài thăng trầm của lịch sử, cộng thêm đặc tính khó ấp, khó nuôi nên số lượng gà Đông Tảo thuần chủng càng ngày càng ít đi. Mãi cho đến mấy năm gần đây, khi trào lưu biếu tặng gà Đông Tảo nổi lên, người dân nhận thấy được hiệu quả kinh tế của giống gà này thì việc nuôi gà mới được chăm chút hơn.


Trên thị trường, gà Đông Tảo đang rất được ưa chuộng. Gà thương phẩm (thịt gà Đông Tảo lai) có giá 250.000 - 300.000 đồng/kg. Riêng gà Đông Tảo thuần chủng đã qua tuyển chọn có giá lên tới 2 - 5 triệu đồng/con. Đặc biệt, gà trống giống Đông Tảo thuần chủng có giá từ 8 - 15 triệu đồng/con. Đây là nguồn lợi kinh tế mà bất kì người chăn nuôi nào cũng phải mơ ước.


Khoảng một năm nay, hiệu quả kinh tế mà giống gà này mang lại đã vượt xa các loại cây, con khác bởi cầu luôn vượt quá cung. Nhiều người dân giàu lên, “đổi đời” từ việc chăn nuôi và cung cấp giống gà Đông Tảo. Chính quyền địa phương cũng bắt đầu hướng người dân vào việc chăn nuôi gà Đông Tảo để trở thành hướng phát triển kinh tế mới trong thời gian tới. Hiện nay, xã Đông Tảo có đến 90 - 95% số hộ dân đang chăn nuôi gà, trong đó có 60% số hộ có nuôi gà Đông Tảo thuần chủng. Trước nhu cầu của thị trường, một số người dân đã nuôi gà Đông Tảo theo quy mô lớn thành các trại gà. Hiện toàn xã có khoảng 20 trại.


Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khách thập phương kéo đến mua những cặp gà Đông Tảo như một thứ đặc sản để biếu, tặng. Nhiều cặp gà có giá vài triệu đồng mà vẫn đắt khách nhờ tính thuần chủng, gen trội, không pha tạp.


Khó giữ gen thuần chủng


Ông Lê Quang Thắng, Phó thôn Đông Tảo Nam, Trưởng Ban vận động thành lập “Hội Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo” cho biết, hiện nay chưa có phương pháp bảo tồn và lưu trữ gen cụ thể, thích hợp cho giống gà Đông Tảo ở trong dân. Bà con ở đây chăn nuôi tự phát, khi gà được giá thì bán ngay, việc giữ lại để lấy gen trội rất ít. Ngoài ra, ngay trong một lứa trứng của hai con gà Đông Tảo thuần chủng ấp ra cũng chỉ có thể cho vài con gà thuần chủng con, còn lại là gà lai.


“Bên cạnh đó, người dân còn cho gà thuần chủng lai với giống gà ở địa phương khác để tăng hiệu quả kinh tế, điều này cũng khiến cho nguồn gen gốc của giống gà Đông Tảo càng thêm thiếu”, ông Thắng cho biết thêm.


Thực tế, để có được giống gà thuần chủng không hề đơn giản. Ít người biết rằng, dù là trứng của hai con gà thuần chủng Đông Tảo, muốn ấp ra gà Đông Tảo con còn phải dựa nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu nhiệt độ thích hợp (27 - 32 độ C), thời tiết khô ráo, khả năng ấp trứng ra gà Đông Tảo con sẽ cao hơn khi thời tiết lạnh, ẩm ướt. Ước tính, chỉ có khoảng 10% số trứng sẽ ấp ra gà Đông Tảo con. Trong khi đó, giống gà Đông Tảo thường đẻ ít hơn so với giống gà khác. Bộ chân to khiến gà ấp trứng rất vụng về. Gà bắt đầu đẻ từ lúc 160 ngày tuổi. Nếu để gà đẻ rồi tự ấp, 10 tháng chỉ đẻ được khoảng 70 quả trứng nên việc nhân giống không đơn giản.

 

Việc chăm sóc gà Đông Tảo cũng cần sự chú ý, tỉ mỉ hơn hẳn gà thường. Ông Thắng cho biết, phải có thức ăn thích hợp cho gà. Nếu thức ăn không đúng, thịt gà sẽ không có màu đỏ tươi, không chắc và ngọt. Gà Đông Tảo dễ lớn “sổi”, điều này khiến gà dễ sinh bệnh, ốm yếu. Để nuôi giống gà quý hiếm này, ngoài việc phải chọn kỹ lưỡng giống bố mẹ tốt thì chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Những người nuôi gà phải có tính kiên trì mới có thể nuôi được.


Được biết, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, vừa qua, xã đã xây dựng dự án hỗ trợ mỗi con gà giống Đông Tảo 30.000 đồng. Xã Đông Tảo cũng tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân bằng mọi cách duy trì và bảo tồn giống gen. Bên cạnh đó, ngày 26/9 vừa qua, Hội Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo đã chính thức được thành lập để tập trung vào việc xây dựng thương hiệu gà Đông Tảo.


Các chuyên gia nông nghiệp lo ngại, do thịt gà Đông Tảo cho lợi nhuận cao, giá thịt gà Đông Tảo lai trên thị trường cao gấp đôi, gấp ba các loại thịt gà khác nên việc lai giống gà Đông Tảo vẫn diễn ra rầm rộ. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn gen thuần chủng của gà Đông Tảo. Do đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp với người dân, đưa ra các biện pháp tối ưu hơn nữa để bảo tồn và phát triển giống gà quý hiếm này.


Bài và ảnh: Thu Hồng

 

Bài 3: Ngăn ngừa “chảy máu” cây quý vùng biên

Mở rộng nuôi gà Đông Tảo an toàn sinh học
Mở rộng nuôi gà Đông Tảo an toàn sinh học

Tỉnh Hưng Yên thực hiện dự án “Chăn nuôi gà thịt Đông Tảo lai an toàn sinh học” với quy mô 8.000 con tại 7 huyện là Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động và Ân Thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN