Thay đổi trong xu hướng tìm việc
Đi từ Thường Tín (Hà Nội) lên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để tìm việc tại phiên giao dịch việc làm các tỉnh phía Bắc mới đây, anh Nguyễn Đình Phúc (40 tuổi) mong muốn đi tìm việc ngay sau Tết, bởi trước đó đã nghỉ việc được gần 6 tháng.
Hàng tháng, anh Phúc vẫn lên sàn giao dịch việc làm đăng ký, tìm việc làm mới nhưng chưa tìm được việc phù hợp. Áp lực chi phí của gia đình có con nhỏ đang tuổi đến trường nên anh Phúc chỉ mong muốn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp, với mức lương ổn định.
Anh Nguyễn Đình Phúc kể, trước đây từng làm nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa máy may công nghiệp cho một công ty của Nhật Bản, với mức lương 14 - 16 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn, anh thuộc diện bị cắt giảm nhân sự nên phải nghỉ việc.
“Do là phiên giao dịch kết nối với sàn giao dịch việc làm các tỉnh nên tôi muốn tìm được công việc và mức thu nhập tương đương trước đây. Tôi đã nhận được phỏng vấn của một công ty vào vị trí nhân viên kinh doanh kỹ thuật điện, với mức thu nhập từ 9 – 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bên công ty nói sẽ gọi điện để trao đổi và thỏa thuận công việc cụ thể khi đi làm", anh Phúc bộc bạch.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Tâm (44 tuổi, đang sinh sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đến Sàn giao dịch việc làm tìm kiếm công việc quản lý.
Chị Tâm cho biết: “Vì lý do gia đình nên tôi xin nghỉ việc cuối năm trước, chứ không phải tâm lý muốn “nhảy việc” sau Tết. Nay tôi muốn tìm việc phù hợp và hy vọng sẽ tìm được việc như ý. Trong thời gian nghỉ việc tôi cũng có làm thêm một số việc khác nên cuộc sống không quá chật vật, song về lâu dài vẫn muốn tìm công việc ổn định toàn thời gian. Ngoài mức lương, tôi cũng hy vọng tìm công việc theo giờ hành chính, gần nhà vì còn có thời gian chăm lo cho con cái”.
Ở góc độ đơn vị tuyển dụng, bà Vũ Thị Thùy, chuyên viên tuyển dụng của Viettel Post Hà Nội cho biết, ghi nhận của đơn vị này sau Tết năm nay không có biến động nhiều về mặt nhân sự. Một số lao động nghỉ việc do muốn tìm kiếm môi trường làm việc mới thích hợp hơn. Hiện đơn vị này đang đẩy mạnh tuyển dụng ở nhiều vị trí vì có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2024, chứ không hoàn toàn để bù đắp cho số đã nghỉ việc.
Theo bà Thùy, năm nay đã ghi nhận những sự thay đổi khi từ tuần đi làm đầu tiên sau Tết, nhiều lao động đã có tâm lý đi xin việc luôn, họ cũng tích cực gửi CV (hồ sơ xin việc), tìm hiểu thông tin công việc trên các hội nhóm cộng đồng…
Quan tâm chế độ an sinh
Nhiều năm làm công tác nhân sự, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Bộ phận tuyển dụng và đào tạo, Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác tòa nhà VNPT cũng đánh giá, tình trạng người lao động "nhảy việc", luân chuyển sang các doanh nghiệp khác của đơn vị này năm nay rất ít, sự thay đổi nhân sự so với cuối năm 2023 chỉ khoảng 5%, trong khi so với cùng kỳ năm trước từ 15 – 20%.
Nói về lí do số lao động “nhảy việc” sau Tết năm nay giảm, bà Lan cho rằng, hiện nay mỗi doanh nghiệp đều xác định rõ việc chú trọng đến môi trường làm việc và đảm bảo mọi quyền lợi đối với người lao động. Đặc biệt, tính an toàn lao động đối với tất cả người lao động cũng ngày càng được ưu tiên.
“Môi trường làm việc, điều kiện an toàn và mức thu nhập là ba yếu tố đang được doanh nghiệp tiến tới ổn định và nâng cao hơn. Điều này cũng là một trong những điểm để giữ chân người lao động tại các doanh nghiệp”, bà Lan cho hay.
Từ góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Ông Vũ Quang Thành cũng thông tin, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng như qua tìm hiểu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ rất lớn, trên 90%.
Điều này cho thấy, tỷ lệ người lao động "nhảy việc" sau Tết đã hạn chế hơn so với những năm trước. “Trước đây, mỗi sau Tết là khoảng thời gian khó khăn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp vì thiếu lao động. Nhiều người lao động sau khi về quê nghỉ Tết thì ở lại địa phương để tìm kiếm công việc mới, hoặc chuyển sang đơn vị khác”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Nhưng năm nay, ông Vũ Quang Thành cho rằng số này đã giảm. Nhìn chung, tâm lý của người lao động khi đến tham gia các phiên giao dịch việc làm đầu năm là đều rất mong muốn sớm tìm cho mình được những vị trí việc làm phù hợp.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong năm 2024, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng. Nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi, đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ phục hồi, cải cách tiền lương trong năm 2024 cũng sẽ tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại.
Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; Rà soát, nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) ngay sau Tết để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.