Độ phủ BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức ở mức rất thấp

Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện nhưng hiện mới có khoảng 240.000 lao động tham gia, chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng số lao động của khu vực phi chính thức và chiếm khoảng 0,4% tổng lực lượng lao động.

Hơn 99% lao động khu vực phi chính thức vẫn ngoài lưới an sinh xã hội

Theo Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt mục tiêu tăng nhanh độ bao phủ, tiến tới BHXH toàn dân, trọng tâm là phát triển 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức. Đây là khu vực tiềm năng khai thác cho loại hình BHXH tự nguyện.

Chú thích ảnh
Bàn giao sổ BHXH cho người tham gia. Hữu Quyết/TTXVN

Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Đến thời điểm này chỉ có khoảng 240.000 người và chủ yếu là những người đã đóng BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia đủ năm để được hưởng lương hưu. Để đạt mục tiêu các Nghị quyết là rất khó khăn.

TS. Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Với hơn 18 triệu việc làm, quy mô lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam còn rất lớn. Người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội.

Vì vậy, thực hiện BHXH cho mọi người lao động nói chung và bản thân người lao động khu vực phi chính thức nói riêng được xem vừa là mục tiêu vừa là giải pháp tích cực góp phần thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội. “Cẩn phải khẳng định rằng BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Tuy nhiên, trong số những người tham gia BHXH tự nguyện, có đến 60% đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên đóng tiếp để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Điều này đồng nghĩa với hơn 99% lao động ở khu vực phi chính thức vẫn nằm ngoài lưới an sinh xã hội”, ông Bùi Sỹ Tuấn cho biết.

Hạn chế đối tượng rời hệ thống

Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH cho rằng: Nguyên nhân còn hạn chế số lượng người tham gia BHXH tự nguyện do trong thời gian dài, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe…

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là đối với lao động khu vực phi chính thức, các chuyên gia về lao động cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu: Phát triển thêm đối tượng mới; đồng thời duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống.

Giải pháp phát triển các đối tượng tham gia mới sẽ tập trung vào việc rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Bên cạnh đó, Bộ ngành hữu quan sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện như: Có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.

Trong khi đó, đối với giải pháp duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống tập trung vào việc: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; Sửa đổi, bổ sung các quy định về BHXH một lần, trong đó có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần…

BHXH đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. BHXH tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...

 

XM/Báo Tin tức
Điều kiện đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu
Điều kiện đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu

Bạn đọc hỏi: Tôi năm nay 53 tuổi, có 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và đang tham gia tiếp BHXH tự nguyện được gần 2 năm. Nay tôi muốn đóng BHXH tự nguyện luôn một lần để hưởng chế độ hưu trí thì có được không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN