Dịch COVID-19: Ngày 19/4, Việt Nam đã liên tiếp 4 ngày không có ca mắc mới, một trường hợp dương tính trở lại

Ngày 19/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 268 ca mắc. Hiện có bệnh nhân số 188 đã được công bố khỏi bệnh, nhưng xét nghiệm mới đây lại cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hà Nội cũng hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối và tất cả các ca được xét nghiệm đều âm tính.

Việt Nam vẫn giữ nguyên tổng số ca mắc COVID-19 là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 62.998 trường hợp, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 279 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.338 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 51.381 trường hợp.

Chú thích ảnh
Số ca mắc COVID-19 đến cuối ngày 19/4. Ảnh: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 19/4, Việt Nam có thêm  hai bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu là BN156 và BN241, nâng tổng số ca khỏi bệnh 202 trường hợp.

Trong số các ca đang điều trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 13 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 7 ca.

Hiện tại, bệnh nhân số 188 đã được công bố khỏi bệnh, lại có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Cụ thể, sau khi được xuất viện vào ngày 16/3, bệnh nhân 188 đã được Bệnh viện Đa khoa Hà Nam bàn giao lại cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và chính quyền địa phương để tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng quy định.

Ngày 17/4, bệnh nhân ho khan và hơi tức ngực, nên được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đến lấy mẫu. Ngày 18/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, có triệu chứng ho khan nhẹ.

Chưa có bằng chứng khoa học về tiêm vắc xin phòng lao BCG để phòng dịch COVID-19

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định: Không tiêm vắc xin phòng lao BCG cho người lớn với mục đích phòng dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Các tiểu thương chợ Long Biên xếp hàng đúng theo quy định trước khi vào lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trao đổi với PV báo Tin tức, GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào về mối liên quan giữa tiêm chủng vắc xin phòng lao BCG với dịch COVID-19. Vấn đề này còn đang được nghiên cứu và tuyệt đối không tiêm vắc xin này cho người lớn. Việc tiêm này có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn”.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng vừa có thông báo mới nhất: Đến nay chưa đủ bằng chứng về việc vắc xin phòng bệnh lao BCG làm giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong hay vắc xin này có ảnh hưởng tốt hơn hoặc xấu hơn với dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu vấn đề này.

Theo đề cương nghiên cứu chuẩn bị trình lên Bộ Y tế, sẽ có 800 nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tham gia, một tỷ lệ trong nhóm này sẽ được tiêm vắc xin BCG để đánh giá, nghiên cứu mối liên quan giữa dịch COVID-19 với vắc xin BCG.

GS. TS Nguyễn Viết Nhung cũng khẳng định: “Dù Việt Nam có triển khai nghiên cứu, thì cũng tuyệt đối không tiêm vắc xin BCG cho người lớn. Bởi gần đây đã có một thanh niên ở Nhật Bản gặp biến chứng sau tiêm vắc xin BCG để phòng COVID-19”.

Theo GS. TS Nguyễn Viết Nhung, có những nghiên cứu này là do vừa qua, các nhà khoa học đã nhận thấy ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở một số quốc gia có chương trình tiêm vắc xin phòng lao BCG phổ cập cho trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi nhẹ hơn so với các quốc gia không có chương trình này. Và việc tiêm chủng BCG có thể giúp điều hoà miễn dịch tự nhiên với một số nhiễm trùng đường hô hấp.

Thế giới hiện đã có hai nghiên cứu được triển khai tại Hà Lan và  Australia trên nhóm thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 để đánh giá việc vắc xin BCG có ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu đã nhiễm bệnh hay không.

1.064 mẫu xét nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối Hà Nội đều âm tính với virus SARS-CoV-2

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong hai ngày 18 - 19/4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện đã tiến hành lấy 1.064 mẫu xác suất, xét nghiệm nhanh cho các tiểu thương tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố để đánh giá yếu tố dịch tễ tại cộng đồng. Kết quả, tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế lấy mẫu máu xét nghiệm COVID-19 cho người lao động. Ảnh: Lê Phú

Tại chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) đã lấy 277 mẫu, chợ Long Biên (quận Ba Đình) lấy 254 mẫu, chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) lấy 223 mẫu, chợ Yên Sở (quận Hoàng Mai) lấy 140 mẫu; chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) lấy 170 mẫu.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên 1.300 người dân tại xóm Trên, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, bằng phương pháp xét nghiệm RT - PCR, hiện đang chờ kết quả.

TP Hồ Chí Minh chỉ còn 5 ca mắc COVID-19, phi công người Anh đã có kết quả âm tính

Ngày 19/4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 5 người mắc COVID-19 đang được điều trị. Bệnh nhân nặng nhất là phi công người Anh (bệnh nhân 91) cũng đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân 91 đang được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 4 trường hợp còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Riêng Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Cần Giờ không còn bệnh nhân nào điều trị.

Thông tin về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho hay, bệnh nhân 91 tiếp tục có diễn biến lâm sàng ổn định, bệnh nhân không sốt; mạch, huyết áp bình thường, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện, không còn tình trạng chảy máu; kết quả RT-PCR đều âm tính với virus SARS-CoV-2 ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, đã có 49/54 trường hợp mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi và trong 12 ngày qua, TP Hồ Chí Minh không ghi nhận thêm trường hợp mới mắc mới. Đại diện Sở Y tế cho rằng, dù 12 ngày qua không có bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới nhưng các bệnh viện được phân công tiếp nhận và điều trị bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng. Các kíp trực vẫn luôn được duy trì, công tác vệ sinh kiểm soát nhiễm khuẩn các phòng cách ly luôn được duy trì và đảm bảo đúng quy định.

XM/Báo Tin tức
 Đối tượng bị mất việc chưa đủ điều kiện lĩnh trợ cấp thất nghiệp phải làm thủ tục gì để nhận hỗ trợ của Chính phủ?
Đối tượng bị mất việc chưa đủ điều kiện lĩnh trợ cấp thất nghiệp phải làm thủ tục gì để nhận hỗ trợ của Chính phủ?

Bạn đọc hỏi: Tôi bị chấm dứt hợp đồng lao động do dịch COVID-19, nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp? Vậy tôi có được hưởng hỗ trợ của Nhà nước và thủ tục như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN