Cùng chia sẻ nỗi đau

5 năm qua, Quỹ Vì nỗi đau da cam thuộc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được đánh giá là một trong những đơn vị tham gia sâu rộng nhất vào phong trào vận động, giúp đỡ nạn nhân da cam. Trao đổi với Tin Tức, ông Trần Mai Hưởng (ảnh) - Tổng Giám đốc TTXVN, Chủ tịch Quỹ - cho biết, tới đây, bên cạnh việc huy động hiệu quả và hỗ trợ thiết thực cho các nạn nhân, TTXVN tiếp tục đồng hành với các nạn nhân da cam trong cuộc đấu tranh đòi công lý.

Thưa ông, xuất phát từ lý do gì mà TTXVN- một cơ quan thông tấn báo chí - lại đứng ra thành lập Quỹ vì nỗi đau da cam?

Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau da cam vẫn hiện diện trong đời sống của hàng triệu gia đình. Việc chăm sóc, hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam là vấn đề nhân đạo lớn mà Đảng, Chính phủ và toàn xã hội đã và đang quan tâm, giải quyết. TTXVN là một cơ quan báo chí gắn bó nhiều với cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. TTXVN là cơ quan báo chí đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong các cuộc chiến tranh, đã có trên 260 cán bộ, phóng viên của TTXVN hy sinh. Thế nên, là anh em trong ngành, các cán bộ phóng viên, biên tập viên đều có tình cảm tự nhiên là muốn góp phần tham gia xây dựng Quỹ Vì nỗi đau da cam. Cùng với việc làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền nói chung, chúng tôi cũng muốn thông qua một quỹ cụ thể để anh em trong ngành cũng như các nhà hảo tâm trong xã hội, các bạn bè quốc tế có thể đóng góp giúp đỡ gia đình các nạn nhân. Việc làm này không chỉ vì gia đình các nạn nhân mà qua đó còn góp phần giáo dục truyền thống, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ phóng viên trong ngành, nhất là anh em phóng viên, cán bộ trẻ lớn lên trong điều kiện hòa bình có thể hiểu được sâu sắc những mất mát mà thế hệ đi trước đã trải qua, từ đó, có thể rèn luyện phẩm chất chính trị để trở thành những cán bộ vừa tâm huyết, vừa trách nhiệm cao trong các công việc của mình.

Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng (giữa) tại lễ khánh thành nhà tình nghĩa (từ Quỹ Vì nỗi đau da cam) cho gia đình nạn nhân da cam Dương Văn Mạnh tại thôn Trại Nẻ, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Tiến Duẩn -TTXVN


Vậy, TTXVN có cơ chế gì để huy động nguồn quỹ và có hình thức hỗ trợ cho các nạn nhân ra sao để hoạt động của Quỹ được hiệu quả, thiết thực?

Chúng tôi huy động quỹ qua nhiều hình thức. Thông qua các tổ chức công đoàn, các anh em trong toàn cơ quan tự nguyện đóng góp bằng tấm lòng của mỗi người. Quỹ cũng thu hút sự quan tâm, đóng góp của nhiều nhà hảo tâm ngoài TTXVN. Chúng tôi đã tham gia quảng bá, giới thiệu tới những nhà tài trợ, các tổ chức xã hội về những hoạt động của Quỹ để họ có lòng tin và giúp tăng nguồn tài chính cho Quỹ.

Hoạt động của Quỹ có một đặc điểm rất khác biệt. Thông qua hệ thống các phân xã của TTXVN tại tất cả các địa bàn, chúng tôi trao quà trực tiếp đến các gia đình nạn nhân chứ không qua cơ quan trung gian nào. Hàng năm, vào nhiều dịp kỷ niệm của đất nước, các phân xã đã phối hợp cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam của các tỉnh lựa chọn những gia đình hoàn cảnh nhất và đến trao trực tiếp cho các gia đình. Bên cạnh việc hỗ trợ tiền mặt, Quỹ đa dạng hóa các hình thức tài trợ để đáp ứng các nhu cầu của các gia đình nạn nhân. Chẳng hạn, mua thuốc men, xe lăn, giúp xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình nạn nhân, giúp mua bò sinh sản để các gia đình nạn nhân ở nông thôn chăn nuôi, có thêm nguồn thu nhập...

Tặng quà cho nạn nhân da cam tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chiều 5/8/2011. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Với đặc thù là một hãng thông tấn quốc gia, thời gian tới, TTXVN sẽ tiếp tục đóng góp gì cho việc chăm sóc, hỗ trợ, đặc biệt là đồng hành cùng các nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý?

Chúng tôi xác định thông tin về nỗi đau da cam là thông tin về một vấn đề nhân đạo lớn của đất nước. Vì vậy, TTXVN sẽ làm tốt nhiệm vụ thông tin của mình để tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc quan tâm, chăm lo đến các gia đình nạn nhân nhiều hơn nữa, góp phần thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, TTXVN cũng có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội. Trong đó, hoạt động của Quỹ Vì nỗi đau da cam cũng là một hoạt động sẽ tiếp tục được lưu tâm, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho các gia đình nạn nhân.

Thành lập tháng 9/2006, đến nay, bằng nguồn tài trợ và quyên góp được từ sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN đã:
- Trao tặng 2 tỷ 887 triệu đồng và hiện vật như xe lăn, thuốc bổ dưỡng, thiết bị nha khoa… cho hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam/điôxin cả nước.
- Đã và đang xây dựng 21 nhà tình thương tặng các nạn nhân.
- Tham gia triển lãm ảnh “Vì nỗi đau da cam”, xuất bản 3.000 bản in hai cuốn sách ảnh “Vì nỗi đau da cam” và “50 năm thảm họa da cam”.

Riêng đối với cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, TTXVN sẽ tiếp tục tham gia tích cực để thông tin với nhiều hình thức phù hợp, trong đó có thông tin đối ngoại để bạn bè quốc tế hiểu được đúng thực chất của vấn đề thảm họa da cam/điôxin Việt Nam. Bên cạnh đó, làm rõ thảm họa da cam và nỗi đau mà các nạn nhân đang gánh chịu, vạch rõ những cơ sở pháp lý để các công ty hóa chất Mỹ phải thừa nhận trách nhiệm với những gì mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh; góp tiếng nói của mình trên các diễn đàn quốc tế, từ đó, tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam/điôxin.

Được biết ông là một trong những sáng lập viên của Quỹ Vì nỗi đau da cam, ông có thể chia sẻ nguyên nhân nào khiến ông dành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động vì nỗi đau da cam?

Từng là một phóng viên của TTXVN, tôi đã trải qua một số năm công tác ở chiến trường, từ mặt trận Quảng Trị đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó lại tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Vấn đề chiến tranh luôn luôn ám ảnh tôi. Nhân dân ta đã chịu đựng những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn. Nhờ có sự hy sinh của hàng triệu người, đất nước ta mới có được độc lập, hòa bình và có điều kiện để phát triển. Nhưng nay, khi chiến tranh đã qua đi, còn rất nhiều gia đình thiệt thòi, đó là các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, đặc biệt là các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Tôi luôn luôn bị ám ảnh và day dứt về điều đó. Xuất phát từ tình cảm cá nhân, tôi cũng có một tâm nguyện riêng là muốn góp một phần nhỏ bé của mình để hàn gắn vết thương chiến tranh và xoa dịu nỗi đau của các gia đình, giúp các nạn nhân có một cuộc sống tốt hơn trong điều kiện đất nước đổi mới như hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Minh (thực hiện)

Thượng Tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin VN: Cuộc đấu tranh đòi công lý còn lâu dài

Thảm họa da cam đã kéo dài suốt 50 năm qua và còn kéo dài nhiều năm nữa. Cuộc chiến tranh hóa học đó đã gây nên thảm họa da cam, làm cho dân tộc chúng ta bị nhiều tổn thất về môi trường, sức khỏe con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN