Thời gian tới, Hậu Giang sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hội viên nông dân; đồng thời quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở và hội viên nông dân nòng cốt.
Nhiều trường hợp nông dân chưa phải là hộ giàu, khá giả, nhưng họ đã tích cóp, dành dụm từ tiền của con cái biếu, hay từ vụ lúa trúng mùa mang lại để chuẩn bị cho tương lai, không muốn làm phiền con cái khi tuổi già...
Nông dân Nguyễn Văn Đường ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đã đến cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Vị Thủy làm thủ tục mua bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cả hai vợ chồng.
Cầm trên tay hai cuốn sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện vừa được Bảo hiểm xã hội huyện Vị Thủy trao còn thơm mùi mực, ông cho biết đã tham gia mức thấp nhất trong thang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do vậy, số tiền phí đóng cả năm của hai vợ chồng là hơn 2 triệu đồng. "Gần sáu mươi tuổi, còn sức làm lúa, dành một ít đóng bảo hiểm tự nguyện, để khi về già không còn sức làm sẽ có lương hưu của Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Đường tâm sự.
Cũng ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, nông dân Trần Văn Mạnh ở ấp 3 đã giấu các con đi mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Mạnh tâm sự: “Các con tôi không cho mua bảo hiểm xã hội tự nguyện đâu, tụi nó bảo cho tiền để cha tiêu xài. Nhưng tôi tích cóp để đó, thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện có lý nên tôi mua”.
Ông Mạnh mua bảo hiểm xã hội tự nguyện gói thu nhập 700 ngàn đồng và đóng 5 năm/lần. Năm 2019, ông đóng lần thứ nhất, đến năm 2024, ông sẽ đóng lần thứ hai và đến năm 2029, ông đóng cho lần thứ ba và thứ tư là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bắt đầu từ năm 2030, ông sẽ được nhận lương hưu hàng tháng theo quy định.
“Tôi nghĩ cách gì đó khi về già để con cái không phải lo chu cấp tiền tiêu xài. Do vậy, khi được cán bộ bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin, tôi lấy tiền tích cóp mua luôn cho hai vợ chồng. Đến năm 2030, hai vợ chồng tôi 70 tuổi sẽ có lương hưu hàng tháng. Sức khỏe lúc đó chắc gì còn làm ruộng vườn được nhiều như bây giờ nữa, lại không muốn phiền con cái”, ông Trần Văn Mạnh tính toán.
Ông Mạnh còn là Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 3, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy. Theo ông Mạnh, ấp 3 có 292 hộ dân. Đến nay, trên 85% số hộ dân trong ấp đã mua bảo hiểm y tế, còn bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ mới có một mình ông mua. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều nông dân mua, vì số hộ khá ở ấp tương đối nhiều, do họ chưa hiểu sâu sắc bảo hiểm xã hội tự nguyện nên chưa biết tham gia.
Nhận được thông tin này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Vị Thủy Nguyễn Thị Huỳnh Hân đề nghị ông Mạnh về tập hợp đông người dân trong ấp, cán bộ bảo hiểm xã hội sẽ trực tiếp đến giải thích cho họ hiểu. Lúc nào ấp có dịp tập hợp người dân, cứ thông tin, cán bộ bảo hiểm xã hội biết là đến ngay.
Ông Mạnh cho biết giữa tháng 9/2019, ông có dự buổi tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, do Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức cho hơn 80 đại biểu là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các xã, thị trấn, Trưởng ban công tác Mặt trận tại các ấp trên địa bàn huyện Vị Thủy. Hầu hết, Trưởng ban công tác Mặt trận tại các ấp đều là nông dân, không có lương hưu.
Hôm đó, Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang Lê Quang Khải trình bày nhiều nội dung liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Những nông dân tham dự đã quan tâm bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn vì họ đặt các câu hỏi liên quan bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Khi hội nghị kết thúc, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Vị Thủy Nguyễn Thị Huỳnh Hân hẹn với nhiều nông dân có dự tính mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngay ngày hôm sau cán bộ bảo hiểm xã hội huyện sẽ làm thủ tục cho những nông dân này.
Ngày hôm sau và nhiều ngày tiếp theo, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Vị Thủy đã trực tiếp trao những cuốn sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân, rất nhanh gọn.
Bài cuối: Tôi đi khám ở bệnh viện công