Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc chín năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ghi dấu ấn chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong lòng những người chiến sĩ Điện Biên.
Nhớ về những ngày tháng ấy, cựu chiến binh - đại tá Trần Liên, nguyên là trinh sát của Trung đoàn Pháo cao xạ 367, kể lại một cách đầy tự hào rằng, ngay đêm 13/3/1954 (đợt 1 của chiến dịch), Đại đội 815 đã bắn hạ máy bay trinh sát Morane của địch. Chiến công ấy đã khiến bộ đội ta vô cùng vui mừng “vì từ nay Bộ binh không còn sợ máy bay nữa, có thể chiến đấu cả ban ngày”.
“Trong đợt 2 của chiến dịch (từ 30/3 - 30/4/1954), bộ binh đào hào vây lấn ở mặt đất, cao xạ bao vây siết chặt vùng trời, cắt cầu hàng không. Thời gian này, địch phải thả dù tiếp tế lương thực, thuốc men, đạn pháo cối… Máy bay phải bay cao trên 3.000m, nhưng bị pháo cao xạ của ta bắn nên phần lớn dù rơi vào ta”, cựu chiến binh Trần Liên nhớ lại.
Còn cựu chiến binh - Đại tá Nguyễn Xuân Mai, năm nay 84 tuổi (Tiểu đoàn phòng không trợ chiến 536, Đại đoàn 316) nhớ nhất trận đánh giằng co ở đồi A1. Ông kể: “Khi đó, đơn vị của tôi phối hợp với Trung đoàn 174 đánh cứ điểm A1- một trong những cứ điểm ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây, địch tập trung lực lượng, có cả xe tăng để quyết giữ. Bây giờ ở đây vẫn còn xác xe tăng đó do Trung đoàn 174 bắn cháy”.
Bố mẹ mất sớm, khi mười sáu tuổi, ông Nguyễn Xuân Mai xung phong đi bộ đội (anh trai ông cũng là bộ đội, cùng ở Đại đoàn 316). Qua quá trình phấn đấu, ba năm sau, chàng thanh niên 19 tuổi đã được học cảm tình đảng. Ngay trên chiến trường, ông đã viết đơn xin vào Đảng với lời thề “sẵn sàng hy sinh để giành độc lập, tự do cho đất nước”.
“Để đi đến thắng lợi thì cần nhiều thời gian chuẩn bị, đặc biệt là việc đào hào xây dựng trận địa dưới làn mưa bom bão đạn của địch. Lúc đó vào mùa mưa, đường hào bị ngập nước. Chiến sĩ quần áo đầy bùn đất, không có thời gian thay quần áo, chỉ lấy khăn lau qua mặt, không có thời gian ngủ. Ngay trong khi đào hào, đã có thương vong”.
Những ngày tháng đó vô cùng ác liệt, nhất là từ khi bắt đầu đợt hai của chiến dịch. Tân binh bổ sung quân số hàng ngày. Ở Tuần Giáo, ta đã hình thành chỗ đón tân binh và huấn luyện cấp tốc trong khoảng một tuần lễ, rồi bổ sung ngay cho các đơn vị, sau đó tiếp tục huấn luyện tại chỗ.
“Đến giai đoạn 3 của chiến dịch (từ 1/5 - 7/5/1954), không chỉ tôi mà nhiều anh em đều tình nguyện sẵn sàng hy sinh để đến ngày giành chiến thắng. Kết thúc chiến dịch, chiến trường tan hoang, bề bộn, xác địch vẫn còn rất nhiều trên đồi A1. Đêm 7/5/1954, Trung đoàn 174 vẫn còn ở đây. Trong niềm vui chiến thắng năm ấy, mình may mắn còn sống, cảm giác lúc đó thấy thương đồng đội đã hy sinh vô cùng. Có những đồng đội hy sinh ngay trước thời khắc chiến thắng. Họ đã mãi mãi nằm lại chiến trường”, ông Nguyễn Xuân Mai hồi tưởng.
Cùng chung suy nghĩ như cựu chiến binh Nguyễn Xuân Mai, trong niềm vui của dịp kỷ niệm tròn 65 năm giải phóng Điện Biên Phủ, Đại tá Lâm Đức Hạp (89 tuổi), nguyên Đại đội phó Đại đội 815, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, cũng rất xúc động. Vừa ra viện được khoảng hai tuần, giọng vẫn còn run run, ông Lâm Đức Hạp nói rằng điều nhớ nhất vào lúc này chính là đồng đội của mình. Đồng đội của ông bây giờ đã “đi gần hết rồi, không còn mấy người”.
“Điều nữa là, không thể nghĩ rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn mà đánh thắng. Có lẽ khó khăn nhất lúc bấy giờ là kéo pháo vào, kéo pháo ra. Kéo pháo vào thì an toàn, nhưng kéo pháo ra thì có hy sinh. Nếu đánh như cũ (phương châm đánh nhanh, thắng nhanh - PV) thì chắc chắn không còn lực lượng nữa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất sáng suốt khi thay đổi chiến thuật, đó là tài của người chỉ huy”, ông Lâm Đức Hạp tiếp mạch cảm xúc.
Đại đội 815 là đại đội có thành tích cao nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được đại diện cho Trung đoàn Pháo cao xạ 367 dự lễ mừng chiến thắng tại cánh đồng Mường Phăng. “Bây giờ, ảnh đồng chí Đại đội trưởng Hà Văn Lực được bắt tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn trưng bày trong Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân. Tôi cũng có ảnh ở Bảo tàng đấy”, ông Lâm Đức Hạp không giấu niềm tự hào.
Những chiến sĩ Điện Biên Phủ năm nào nay đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhiều người sức yếu, hầu hết đã gần chín mươi tuổi. Trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn luôn giữ tinh thần, cốt cách anh bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa.
Với những chiến sĩ Điện Biên, những ngày tháng trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn luôn là những tháng ngày đặc biệt trong cuộc đời, họ đã chiến đấu đến cùng với tinh thần đầy quả cảm; cùng nhau chiến đấu, cùng đào hào, ngủ hầm, kéo pháo vào, kéo pháo ra… và cùng nhau chứng kiến những giờ phút lịch sử khi chiến dịch kết thúc thắng lợi.