Căn hộ của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Trấn (năm nay 84 tuổi), Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn Pháo cao xạ 367 Điện Biên Phủ nằm trong khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội. Đó là căn hộ đã cũ ở tầng hai của dãy tập thể, đơn sơ, giản dị như chính cuộc đời của người lính. Trong phòng khách nhỏ nhưng ngăn nắp, chiếc tủ kê sát tường “trưng bày” nhiều vật lưu niệm về Điện Biên Phủ.
Trước khi cho tôi xem cuốn album với rất nhiều ảnh được sắp xếp cẩn thận là kỷ niệm của ông và đồng đội trong những lần gặp mặt, ông Trấn mở đĩa “Đoàn cựu chiến binh 367 về thăm lại chiến trường xưa”. Đó là một bộ phim ngắn do các cựu chiến binh tự dàn dựng, nhân một chuyến về thăm Điện Biên Phủ cách đây chín năm.
“Đây có lẽ là chuyến đi dài ngày nhất, chừng mười ngày. Chúng tôi đi ô tô từ Hà Nội lên thăm chiến trường xưa. Lúc đó Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn Pháo cao xạ 367 Điện Biên Phủ là ông Nguyễn Mạnh Đàn còn khỏe, giờ thì ông ấy yếu lắm rồi. Đó là chuyến đi lịch sử, phấn khởi lắm, cảm động lắm, đông đủ anh em đồng đội nhất, gần bảy mươi người”, cựu chiến binh Nguyễn Trấn kể lại.
Trong chuyến đi đó, đoàn cựu binh về lại Sơn La, thăm Cò Nòi, đây là một trong những trọng điểm mà không quân của Pháp đánh phá ác liệt, để cắt đường vận tải và hành quân cơ giới của ta lên Điện Biên Phủ. Rồi thăm nơi tập kết, cây số 62 Tuần Giáo - Điện Biên; thăm khu ngày xưa là đường kéo pháo vào kéo pháo ra; khu đại bản doanh của Bộ chỉ huy chiến dịch, nơi tổ chức cuộc mít tinh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; nghĩa trang Đồi A1, nghĩa trang đồi Độc Lập, tượng đài chiến thắng. Rồi tới toàn bộ khu phía tây của mặt trận là khu Hồng Cúm, khu hầm Đờ Cát…
“Chiến trường năm xưa, sau bao năm giờ đã khác nhiều, nhưng cảm xúc của chúng tôi thì vẫn vẹn nguyên. Đó là những ngày tháng vô cùng ác liệt nhưng rất đỗi tự hào. Trung đoàn 367 gồm có sáu tiểu đoàn, sau khi được huấn luyện ở Trung Quốc, hai tiểu đoàn pháo cao xạ đầu tiên là 383 và 394 được lệnh về nước để tham gia chiến dịch Trần Đình (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ).
Có một điều quân địch không thể ngờ là trên chiến trường Điện Biên Phủ, chúng ta lại có pháo cao xạ bảo vệ vùng trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu. Vì thế, không thể nói hết niềm tự hào của những chiến sĩ thuộc Trung đoàn pháo cao xạ - tiền thân của Quân chủng Phòng không - Không quân sau này. Chuyến đi đó, ông Bùi Hữu Lâm là thương binh, vẫn chống gậy lên đồi Him Lam đấy. Ông Lâm năm nay 85 tuổi, yếu lắm rồi, giờ đang ở Vĩnh Tuy ấy. Bây giờ mà tập hợp được thế thì khó lắm”, ông Trấn nhớ lại chuyến đi năm ấy.
Ông Nguyễn Trấn cho biết, vài năm nay, ông đảm trách vai trò là Trưởng ban liên lạc. Nhưng cũng chỉ là người kế thừa thôi, đến ông là người thứ năm rồi. Trước đó, là cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Mạnh Đàn (SN 1927), bác Đàn bị tai biến nên sức khỏe yếu lắm. Sau đó đến bác Lâm Đức Hạp, bác Hạp năm nay cũng hơn 90 tuổi. “Các anh ấy bảo “ông còn khỏe thì làm đi”, để anh em còn có chỗ liên lạc, gặp gỡ nhau”. Các thành viên ban liên lạc như ông Trần Liên,… giờ cũng đều già yếu cả”.
Cũng theo cựu chiến binh Nguyễn Trấn, các tiểu đoàn pháo cao xạ đều có ban liên lạc riêng (như Ban liên lạc Tiểu đoàn 383 thành lập khoảng ba mươi năm nay); nhưng Ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn Pháo cao xạ 367 Điện Biên Phủ thành lập khoảng gần hai mươi năm. Ban đầu có trên hai trăm người, hầu hết ở Hà Nội và những vùng lân cận như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ,… Nhiều cụ đã mất, cũng có người không còn liên lạc được do ở xa, đến nay danh sách nắm được còn khoảng trên một trăm cựu chiến binh. Tuổi trung bình của các cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ là tám nhăm, tám sáu; khoảng trên ba mươi người đã ngoài chín mươi, người cao tuổi nhất là 96 tuổi.
“Việc thành lập Ban liên lạc này nghĩa tình lắm, tất cả đều là tự nguyện, đồng chí, đồng đội quan tâm, thăm hỏi động viên nhau khi đau ốm. Trước còn khỏe thì anh em đi thăm nhau được, có khi về tận Hải Phòng, Bắc Ninh, nhưng bây giờ tuổi cao, đi lại khó khăn nên chủ yếu thăm hỏi qua điện thoại. Trường hợp đặc biệt thì thường trực ban liên lạc (gồm bốn người) sẽ cắt cử nhau đi, mà cũng chỉ quanh quanh Hà Nội thôi. Các cụ thăm nhau, đi xe buýt, xe đạp, hoặc đi xe ôm, gần thì đi bộ”.
Theo “Quy chế” hoạt động của Ban Liên lạc, những kỳ kỷ niệm chẵn thì 5 năm tổ chức gặp mặt một lần, còn những năm lẻ thì khoảng hai năm gặp nhau một lần. Quỹ của Ban liên lạc chủ yếu là do các cá nhân đóng góp, tùy tâm; cũng có phần quỹ từ Ban liên lạc của Binh chủng hỗ trợ.
“Vài ba năm trước, tôi hay đến nhà anh Vũ Quyền, Đặng Dự, Nguyễn Đình Hiếu chơi, nhưng giờ các anh ấy cũng “đi” cả rồi. Cựu chiến binh, đại tá Nguyễn Cần, nguyên Đại đội phó Đại đội 816, Tiểu đoàn 383, lần kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong buổi gặp mặt còn kể chuyện kéo pháo vào kéo pháo ra, cũng đã mất cách đây hai năm. Vẫn biết là chuyện gì rồi cũng sẽ đến, nhưng số người cứ vơi dần đi, cũng buồn lắm”.
Sắp tới đây, kỷ niệm 65 năm giải phóng Điện Biên Phủ, dự kiến các cựu chiến sĩ của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 sẽ gặp nhau ngày 5/5 tại hội trường Bảo tàng Phòng không - Không quân trên đường Trường Chinh, Hà Nội. Nơi đây là “điểm hẹn” cho hầu hết các buổi gặp mặt của các cựu chiến binh pháo cao xạ Điện Biên Phủ năm xưa.
Chuẩn bị cho cuộc gặp mặt sắp tới, bốn thành viên thường trực của Ban liên lạc đã liên hệ với các nhóm để gọi điện cho các cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ, hẹn ngày hội ngộ, nhiều người đã nhận lời, ai cũng nhiệt tình nói sẽ tham gia. Nhưng đó là câu trả lời tại thời điểm đó, còn đến ngày hẹn, không biết có đủ “quân số” không. Nếu được ba, bốn chục người, thế đã là nhiều. Như lần gặp mặt kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên Phủ, hẹn nhau cả, thế mà ngày trước lúc khai mạc, gia đình của sáu cụ điện thoại nói không tới được. Bây giờ, sức khỏe các cụ yếu rồi, lại ở xa nữa thì khó về.
“Mấy hôm trước, khi tôi điện thoại, ông Đỗ Văn Dĩnh, nguyên Đại đội phó Đại đội 817, năm nay 96 tuổi, quê ở Việt Yên, Bắc Giang cũng nói sẽ cố gắng về đợt này. Ông Trần Thọ Vệ, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 817, Tiểu đoàn 383, năm nay tròn 90 tuổi, ở Phú Thọ thì bảo “Tiếc quá Trấn ơi, nhưng không về được”. Tôi cũng hẹn lần lữa mãi mà chưa lên thăm ông ấy được. Ông ấy hay làm thơ, vẫn tham gia sinh hoạt với Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh đấy”, ông Nguyễn Trấn trầm ngâm.
Lần nào gặp mặt, với những cựu chiến sĩ Điện Biên cũng là niềm vui vô bờ bến. Tự hào về những năm tháng cùng nhau chiến đấu dưới bầu trời Điện Biên Phủ, nhắc lại những chiến công, trong đó có cả hy sinh mất mát. “Quý giá hơn hết là chúng tôi đã may mắn trở về. Bây giờ, điều mong mỏi nhất chỉ mong cho nhau có nhiều sức khỏe, có dịp thì gặp gỡ nhau. Chúng tôi cũng nói với nhau, lần kỷ niệm 65 năm giải phóng Điện Biên Phủ lần này cố gắng về gặp mặt, chứ vài năm nữa thì không biết thế nào. Sinh lão bệnh tử mà, chuyện tất yếu của con người”, ông Nguyễn Trấn mỉm cười nói nhỏ.