Chuẩn hóa và hiện đại hệ thống thanh tra BHXH

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống thanh tra thông qua thống nhất dùng phần mềm nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và nâng cao kỹ năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Khẳng định rõ hiệu quả

Theo ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra (BHXH Việt Nam), trong 7 tháng đầu năm 2019, BHXH các tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện rất hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, đã thanh tra chuyên ngành được gần 3.000 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) (đạt 52% kế hoạch); kiểm tra được khoảng 4.000 đơn vị SDLĐ (đạt 97% kế hoạch); thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 2.686 đơn vị (đạt 64% kế hoạch). Bên cạnh đó, còn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đơn vị SDLĐ, thanh tra, kiểm tra liên ngành đột xuất tại 2.673 đơn vị. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH các tỉnh, thành phố đã ban hành 393 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Chú thích ảnh
Thanh tra nợ đóng BHXH, BHYT.

Hiệu quả rõ nhất chính là BHXH các tỉnh, thành đã phát hiện được số lượng lớn lao động chưa được đóng BHXH, đóng thiếu thời gian hoặc đóng thiếu mức đóng. Cụ thể đã phát hiện 16.532 lao động chưa được đóng, đóng thiếu thời gian; 1.180 lao động đóng sai, thừa thời gian. Trong đó, Bình Dương phát hiện 3.637 lao động; TP Hồ Chí Minh phát hiện 1.774 lao động; Long An phát hiện 1.377 lao động… Kết quả này đã đem lại sự tin tưởng, phấn khởi cho hàng ngàn người lao động (NLĐ), qua đó giúp họ đảm bảo được các quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT.

Nhiều địa phương cũng đã thực hiện khá hiệu quả việc đôn đốc các kết luận thanh tra, kiểm tra, như: Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Cà Mau. Đây là các địa phương mà tỉ lệ đơn vị SDLĐ truy đóng BHXH, BHYT cho số NLĐ chưa đóng, đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng đạt 100% số phải thu.

Ông Trần Đức Long cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, mới đây Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 999 ngày 8/8/2019 phê duyệt phần mềm thanh tra, kiểm tra phiên bản 4.0. Đây là tiền đề để các tỉnh, thành bắt tay vào áp dụng, triển khai nhằm đẩy nhanh việc chuẩn hóa, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra.

Còn nhiều vướng mắc, tồn tại

Theo Vụ Thanh tra- Kiểm tra, việc đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên và chưa có giải pháp quyết liệt. Tỉ lệ thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế, đặc biệt là việc chấp hành các quyết định xử phạt hành chính còn thấp. Ngoài ra, mặc dù đã có khá nhiều quy chế phối hợp với các ngành Công an, Thuế, Liên đoàn lao động, Thanh tra Nhà nước và Sở Y tế, nhưng thực tế hiệu quả của công tác phối hợp còn thấp, chủ yếu mới là phối hợp với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Thanh tra nhà nước…

Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra chỉ bó hẹp trong phạm vi những người được giao thẩm quyền làm Trưởng đoàn, như Trưởng phòng Thanh tra- Kiểm tra, Trưởng phòng Thu, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ (ngoại trừ Giám đốc, Phó Giám đốc). Trong khi đó, trên thực tế, TP Hồ Chí Minh có địa bàn rộng, tình trạng vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT rất nhiều. Vì vậy, BHXH Việt Nam cần xem xét phân cấp cho Giám đốc, kể cả Phó Giám đốc BHXH quận, huyện được làm Trưởng đoàn Thanh tra; còn BHXH Thành phố thì có thể xem xét phân cấp cho các Phó Trưởng phòng của các phòng nghiệp vụ có liên quan làm Trưởng đoàn để có thể đáp ứng được thực tiễn yêu cầu công việc..

Trong khi đó, ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các chủ doanh nghiệp cà phê trên địa bàn thường ký hợp đồng khoán “một cục” lãnh lương cuối vụ cũng như đóng BHXH vào đó. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp lại không đóng BHXH cho NLĐ, nên thời gian qua có nhiều NLĐ đã khiếu nại đến cơ quan BHXH.

Vấn đề này, ông Trần Đức Long đề nghị BHXH tỉnh Đắk Lắk cần sớm vào cuộc, đối chiếu dữ liệu thuế để tìm ra mối liên quan; nếu phát hiện có dấu hiệu trốn đóng BHXH thì phải xử lý ngay.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định ngành BHXH đã rất chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó có việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực thanh tra, kiểm tra. BHXH các địa phương cần phải tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là chính sách pháp luật trong cán bộ công chức, viên chức. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác thanh tra...

“Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao) đã ban hành Nghị quyết 05, đây là tiền đề rất quan trọng để ngành BHXH đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Vì vậy, yêu cầu Vụ Thanh tra- Kiểm tra cần hướng dẫn kỹ cho các tỉnh, thành vận dụng, thực hiện hiệu quả”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu.

 

Diệu Linh/Báo Tin tức
Chính sách liên quan đến người lao động có hiệu lực từ tháng 9/2019
Chính sách liên quan đến người lao động có hiệu lực từ tháng 9/2019

Từ tháng 9/2019, nhiều chính sách mới liên quan đến lương, quyền lợi của người lao động có hiệu lực thi hành như: Hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương; xếp lương hệ giáo dục nghề nghiệp...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN