Chủ động ứng phó thông minh với mọi biến động của thời tiết khí hậu

Tối 22/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày nước thế giới, Ngày khí tượng thế giới năm 2018.

Đây là hai sự kiện quốc tế thường niên quan trọng diễn ra vào tháng 3 hàng năm nhằm kêu gọi sự chung tay của Chính phủ, người dân trên toàn thế giới để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Đối mặt với ô nhiễm nguồn nước và cực đoan khí hậu

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự gia tăng dân số, ô nhiễm và suy thoái môi trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nghiêm trọng về cả số lượng và chất lượng nguồn nước, qua đó tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng sống của con người trên hành tinh.

Trong khi đó, nhân loại phải đối mặt với thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lụt có mối quan hệ vô cùng mật thiết với tài nguyên nước.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi lễ.

Năm nay, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề: “Nước với thiên nhiên” cho Ngày Nước thế giới và chủ đề: “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết – Ứng phó thông minh với khí hậu” cho Ngày Khí tượng thế giới.

Theo Liên hợp quốc, hiện nay đang có khoảng 1,9 tỷ người trên hành tinh chúng ta đang phải sinh sống ở những vùng thiếu nước trầm trọng. Con số này có thể sẽ tăng lên khoảng 3 tỷ vào năm 2050. Trong khi, khoảng 1,8 tỷ người vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu,gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản từ châu Á đến châu Mỹ, châu Phi trong năm 2017.

Vì vậy, thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới năm nay tập trung vào việc chủ động ứng phó kịp thời với những thách thức đang ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, qua đó góp phần cải thiện sức khỏe và sinh kế của cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững của quốc gia và nhân loại.

Bảo vệ nguồn nước, chủ động ứng phó với thiên tai

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam được biết đến là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nước chưa bền vững, nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do ô nhiễm môi trường, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng hiện hữu và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo thống kê, hơn 60% lượng nước nước ta được sản sinh từ nước ngoài, gây nguy cơ suy giảm, khó chủ động được về nguồn nước, gây tác động tiêu cực cho các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng hạ lưu. Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu những tác động to lớn do biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản...

Nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, tập trung hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Mặt khác, rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém là nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt.


Cùng với đó, mỗi năm đất nước ta phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, hạn hán … với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng.

Cũng theo số liệu thống kê, năm 2017 được biết đến với những kỷ lục về thiên tai với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, nhiều đợt mưa lớn gây lũ, lũ quét sạt lở đất ở nhiều nơi trên cả nước gây thiệt hại lớn đến tài sản và tính mạng của nhân dân.

Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, những thách thức to lớn về tài nguyên nước nếu không có ngay những biện pháp quản lý, thích ứng phù hợp.

Để giảm thiểu những tác động của thiên tai, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, mỗi cá nhân cần chung tay, góp sức bảo vệ nguồn tài nguyên nước nước thông qua sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động sản xuất; Bảo vệ môi trường thiên nhiên, lấy các giải pháp từ tự nhiên để phục hồi, bảo tồn tài nguyên nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, suy thoái chất lượng nước; Chủ động với mọi biến động của thời tiết khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan để giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ không ngừng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai liên quan đến khí hậu và tài nguyên nước gây ra với các giải pháp phù hợp về cơ chế, chính sách và các công cụ kinh tế dựa trên thị trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.


Trang Thu/Báo Tin tức
Nguy cơ ô nhiễm nước sinh hoạt từ bãi rác
Nguy cơ ô nhiễm nước sinh hoạt từ bãi rác

Từ nhiều năm nay, cạnh trạm bơm số I của Công ty TNHH MTV cấp nước Kon Tum tại thôn Kon Sơm Lam 1 trên đường Đào Duy Từ, thuộc phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum (Kon Tum) xuất hiện một bãi rác tự phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN