Cho vùng biên cương mãi xanh tươi

Sau hơn 3 tháng đưa vào sử dụng, các điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới do Quân khu 7 triển khai xây dựng trong giai đoạn 1 của “Đề án xây dựng khu dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới” đã mang hơi thở của cuộc sống đến với vùng biên giới.

Những vùng đất hoang vắng, cằn cỗi nay đã từng bước được phủ xanh bởi những khu dân cư, vườn cây xanh tốt.

An cư lạc nghiệp để giữ biên cương

Trở lại điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), dễ nhận thấy những thay đổi trên vùng đất xưa vốn hoang vắng bóng dân với bạt ngàn mía, mì (sắn) cùng các loại cây hoa màu. Khu dân cư mới ồn ã trong tiếng trẻ thơ, tiếng nhạc và  rực rỡ màu đỏ - trắng của hoa giấy, màu vàng của loài hoa chuông được trồng trước những căn nhà. Đây là điểm dân cư đầu tiên được bàn giao cho người dân sử dụng vào ngày 29/7/2019.

Chú thích ảnh
Anh Huỳnh Văn Hưởng, Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bến Cừ, Tây Ninh chăm sóc cây trái được trồng trên diện tích 500 m2 đất được cấp kèm theo nhà. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Niềm vui của ngày nhận được nhà dường như vẫn còn trong những lời nói, gương mặt chàng dân quân thường trực Huỳnh Văn Hưởng (24 tuổi, xã Ninh Điền). “Từ ngày có nhà mới, vợ em rất vui, chịu khó sắm sửa đồ đạc trang trí nhà cửa. Hiện nhà em nuôi được một đàn gà, sau này nếu có tiền sẽ nuôi thêm một hai con bò nữa. Phần đất phía sau nhà (khoảng 500 m2), em đang trồng cây ăn trái, sau này sẽ trồng thêm rau màu; 1 ha đất canh tác được cấp sẽ trồng sắn hoặc tràm. Vợ em hiện vẫn đi làm xí nghiệp, nhưng sắp tới sẽ xin về Xưởng mì Hùng Duy ở gần nhà hơn cho tiện đi lại”, anh Huỳnh Văn Hưởng chia sẻ.

Gia đình anh Huỳnh Văn Hưởng là một trong số những hộ được hưởng chính sách của “Đề án xây dựng khu dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới”. Đề án do Quân khu 7 triển khai tại vùng biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An. Mỗi hộ được hỗ trợ xây dựng một căn nhà diện tích từ 70 - 100 m2 với kinh phí hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, cùng với đó là đất sản xuất, để người dân yên tâm canh tác. Điện, nước sinh hoạt được trang bị đầy đủ; hệ thống giao thông kết nối tận nhà.

Dạo quanh khu dân cư, những khu công trình phụ, nhà bếp (nấu củi) của gia đình anh Trần Thanh Tòng, Đặng Thanh Hồng; chuồng bò sau nhà của gia đình anh Phạm Thanh Nhân… và những luống rau màu được trồng sau nhà của các hộ đã đem lại những cảm giác ấm cúng, đầy sinh khí của một khu dân cư đang hiện hữu bên cạnh Chốt dân quân biên giới Bến Cừ.

Cùng chung không khí như vậy cũng có ở các điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Mít Mọi (Tân Châu, Tây Ninh); điểm dân cư Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa, Long An) hay Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước)… Các gia đình sau khi về nơi ở mới đều đã cơ bản ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình chủ động cơi nới thêm các công trình phụ để sinh hoạt, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, cây ăn trái và cây cảnh quanh nhà.

Toàn tuyến biên giới của ba tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An có 64 chốt dân quân biên giới, giữa các chốt dân quân có bố trí xen kẽ các Trạm, Chốt Cảnh giới của Bộ đội Biên phòng. Trong đó, 17 chốt đã có điểm dân cư liền kề sinh sống ổn định, còn lại 47 chốt dân quân chưa có điểm dân cư liền kề (trong vòng bán kính 2 km). Chính vì vậy, Đề án hướng tới “phủ xanh” trên miền biên cương phía Nam của Tổ quốc.

Hệ thống giao thông được kết nối với các công trình phúc lợi của các khu dân cư cũ quanh điểm dân cư, hệ thống điện lưới quốc gia và nước sạch sinh hoạt, các điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới được xây dựng trong giai đoạn 1 của Đề án đã tạo nên những điểm sáng sinh động đầy sức sống cho những vùng đất giáp biên.

Chú thích ảnh
Đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên người thụ hưởng Đề án tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Bình Thạnh, Mộc Hóa, Long An. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Trung tá Đỗ Huy Hạnh, Phó trưởng Phòng Dân vận - Cục Chính trị Quân khu 7 cho biết, qua khảo sát sơ bộ tại tất cả 7 điểm dân cư liền kề được xây dựng theo đúng kế hoạch của Đề án đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống, sinh hoạt của vùng biên giới. Kinh tế của các đối tượng thụ hưởng đã có sự thay đổi; thể hiện sự tự tin, quyết tâm phấn đấu vượt khó vươn lên để ổn định và phát triển cuộc sống nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

“Sự ra đời của điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới thể hiện sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền địa phương, quân đội và nhân dân, tăng cường mối đoàn kết quân dân, tạo sự khăng khít giữa người dân địa phương và chốt dân quân biên giới, góp phần củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân nơi biên giới”, Trung tá Đỗ Huy Hạnh nhấn mạnh.

Lan tỏa mô hình

Chú thích ảnh
 Hai trong số 5 căn nhà thuộc Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Bình Thạnh, Mộc Hóa, Long An, sau 2 tháng đưa vào sử dụng. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Anh Trần Thanh Tòng, dân quân của Chốt dân quân Bến Cừ (Tây Ninh) cho hay, từ ngày nhận nhà, công việc trên Chốt của anh đã thuận lợi hơn rất nhiều. Có nhà ở gần bên Chốt, việc ăn ở, sinh hoạt đã đi vào nền nếp ổn định nhờ bàn tay của người vợ giúp anh an tâm dành nhiều thời gian và tâm sức cho công việc của mình trên Chốt.

Đây cũng là điểm chung tại các điểm dân cư mới được xây dựng. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Dân vận (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh), sự quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Đề án là điều kiện thuận lợi để các điểm dân cư hoàn thành đúng thời gian, chất lượng công trình bảo đảm, phù hợp điều kiện thực tế. Điều này đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân tuyến biên giới cũng như cả địa bàn tỉnh.

Thực tế triển khai giai đoạn 1 của Đề án cho thấy, việc xây dựng các điểm dân cư tạo tiền đề xây dựng các cụm dân cư trên toàn tuyến biên giới, đảm bảo nguồn lực tại chỗ, khai thác tiềm năng, lợi thế để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới. Đây là sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trong các chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống lâu dài; là những điểm sáng mang tính lan tỏa để phát triển thêm các hộ gia đình, biến điểm dân cư thành các cụm dân cư đông đúc trên tuyến biên giới.

Đánh giá về Đề án ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND Tây Ninh Phạm Văn Tân khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tầm chiến lược lâu dài, nhằm hình thành lực lượng tại chỗ và chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Các điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới tạo thế liên hoàn, hỗ trợ, tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh bảo vệ biên giới quốc gia; có giá trị thực tế là tâm điểm thu hút dân cư lên sinh sống tại biên giới, để nhân dân tự quản đường biên, cột mốc biên giới.

Cùng nhận định trên, ông Lê Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An) cho rằng, còn một số vấn đề vướng mắc đang được giải quyết trong quá trình triển khai, như sự hỗ trợ của doanh nghiệp với người dân ở điểm dân cư chưa đạt hiệu quả mong muốn do xa các cơ sở kinh tế… Tuy nhiên, lãnh đạo chính quyền và người dân địa phương rất đánh giá cao mô hình này, mong muốn có nhiều hơn các điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới trên địa bàn huyện.

Chú thích ảnh
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bến Cừ, Tây Ninh sau hơn 3 tháng đưa vào sử dụng. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Trong những ngày vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã bước vào xây dựng một số điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới trong tổng số 27 điểm giai đoạn 2. “Từ những kết quả thể hiện trên thực tiễn, lãnh đạo Quân khu xác định triển khai Đề án là việc phải làm ngay, kiên quyết làm với tiêu chí phải đảm bảo tính hiệu quả bền vững đúng với ý nghĩa của Đề án”, Trung tá Đỗ Huy Hạnh khẳng định.

Từ chủ trương phù hợp với thực tiễn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các địa phương, không lâu nữa các điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới trên hiện hữu vững chắc trên tuyến biên giới phía Nam. Chính sách “An dân giữ đất biên cương” này góp phần kết nối tình quân và dân, nâng cao sức mạnh tổng hợp của thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân. Mô hình này sẽ ngày càng lan tỏa, như những màu xanh từ những khu vườn các gia đình tại điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới...

Xuân Khu - Tiến Lực (TTXVN)
Quân khu 7 chú trọng quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật
Quân khu 7 chú trọng quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật

Sáng 24/10, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức Hội nghị sơ kết Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” (Cuộc vận động 50), giai đoạn 2015-2019, đánh giá và đề ra giải pháp đẩy mạnh Cuộc vận động, góp phần đảm bảo tốt công tác kỹ thuật cho lực lượng vũ trang Quân khu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN