Sáng ngày 26/8, diễn ra phiên đối thoại giữa trẻ em và đại diện đến từ các Bộ ngành về vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Hồng Lan, năm 2017 đánh dấu có nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đối với lĩnh vực trẻ em.
Đó là Luật trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu lực từ ngày 5/9/2017;Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của các địa phương…
Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 diễn ra từ 24-26/8 với chủ đề “Trẻ em với vấn đềphòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” được tổ chức để trẻ em đề xuất các kiến nghị, sáng kiến về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ góc nhìn của trẻ em.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các quy định về quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại cho trẻ em. Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến, thông điệp, kiến nghị của các em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em đã được tổ chức tại cácđịa phương để báo cáo Chính phủ, đồng thời chuyển tới các bộ, ngành, tổ chức có liên quan để xem xét, giải quyết.