Đó là ý kiến của ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại toạ đàm “Quản lý thị trường nước sạch- Nhìn từ vụ nước nhiễm dầu” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 4/11.
Mặc dù sự cố nguồn nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đã tạm thời được giải quyết, nhưng sau sự cố nghiêm trọng này không chỉ vấn đề bảo vệ nguồn nước được đặt ra mà còn là vấn đề quản lý thị trường nước sạch cần được đánh giá nghiêm túc và cần có giải pháp dài hạn.
“Khi xảy ra sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, chúng ta nhận ra rằng quy trình kiểm tra, giám sát, trách nhiệm cơ quan nhà nước và tổ chức doanh nghiệp sản xuất nước sạch chưa được xác định rõ ràng. Nước sạch là tài nguyên ảnh hưởng đến trực tiếp đến sức khỏe người dân, là lĩnh vực được đầu tư có điều kiện; để xảy ra vụ việc trên là có một lỗ hổng pháp lý lớn phải được khắc phục để bảo đảm quyền lợi cho người dân”, ông Phùng Văn Hùng khẳng định.
Theo đó, nhà máy cung cấp nước chưa đủ điều kiện của cục giám định chất lượng nhà nước nhưng đã đưa và sử dụng cung cấp cho người dân đã là vi phạm pháp luật; tiếp đó là dấu hỏi cho trách nhiệm của các cơ quan ở đâu để gây nên sự lo lắng rất lớn cho người dân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông cũng cho rằng: “Về chất lượng nước, Việt Nam đã có một số văn bản mang tính đặt nền móng nhưng vẫn lỏng lẻo và nhiều điểm trong đó còn bất hợp lý. Cụ thể như trong Thông tư 50 của Bộ Y tế ban hành năm 2015 quy định về chất lượng nước và tần suất kiểm tra; chất lượng theo một quy chuẩn, nhưng về tần suất đối với nhà máy công suất 1.000 mét khối thì kiểm tra 1 lần/tuần, còn nhà máy có tần suất nhỏ hơn thì 3 tháng mới kiểm tra 1 lần. Nếu kiểm tra nước 1 lần/tuần thì như trường hợp của sông Đà vừa qua, trong khi nước sạch chuyển đến người tiêu dùng hàng ngày, thì khi xảy ra sự cố xảy ra liệu việc kiểm tra có còn ý nghĩa nữa không? Đó là chưa kể nếu chất ô nhiễm không phải là dầu thải mà là một chất khác độc hại hơn thì sẽ đe doạ tới tính mạng người dân”.
Đó là chưa kể việc quy định khác nhau giữa tần suất kiểm tra với nhà máy công suất 1.000 mét khối và nhà máy có công suất nhỏ hơn trong khi chất lượng nước tác động đến sức khỏe là như nhau. Đây được cho là yếu tố quan trọng đối với dịch vụ công thiết yếu liên quan đến sức khỏe, dù chi phí có đắt đỏ bao nhiêu thì nghĩa vụ của Nhà nước là chịu trách nhiệm chi phí kiểm tra, chứ không thể vì thiếu kinh phí mà phân biệt như vậy.
Đặc biệt, hiện chưa có văn bản nào quy định khi xảy ra các sự cố như vừa qua thì quy trình ngay lập tức phải xử lý như thế nào và trách nhiệm ngành chịu trách nhiệm như ngành y tế ra sao.
Để đảm bảo quản lý thị trường nước sạch hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng, vai trò cuả nhà nước là rất quan trọng. Hiện nay, hệ thống Luật của Việt Nam cũng đã tương đối đầy đủ, chỉ cần làm đúng theo Luật đã quá tốt, nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ việc cho thấy việc thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Vì vậy, việc thực thi pháp luật cần phải nghiêm hơn nữa, các đơn vị liên quan cần phải có chế tài xử lý mạnh. Quy trình phải được thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu vào. Trước mắt, việc phân phối nước vẫn nên để cho nhà nước quản lý, khi có những chính sách kịp thời và dễ quản lý hơn thì tiếp tục giao cho tư nhân cùng tham gia cung cấp như nhiều nước vẫn làm.
“Phải “lấy người dân làm trung tâm”, từ đó nhấn mạnh sự tham gia của người dân, lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình xây dựng các quy hoạch nguồn nước. Người dân là đối tượng thụ hưởng các dịch vụ công, họ cần được được tiếp cận một cách đầy đủ, công bằng về mọi vấn đề kể cả giá cả, chi phí... Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần phải công khai minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân trong mọi quá trình để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất.