Tại Việt Nam, cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế xã hội, xu hướng cơ giới hóa phương tiện đi lại đang diễn ra rất nhanh chóng. Trong năm 2018 đã có hơn 300.000 ô tô đăng ký mới và với xu hướng này, số lượng ô tô sẽ tiếp tục tăng lên.
Với sự gia tăng thu nhập, sự bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng ô tô của người dân, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng sẽ hết sức sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó sẽ có cả những ô tô sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
ASEAN NCAP, Đại học Bách khoa Hà Nội và Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội thảo để phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về tầm quan trọng của những chiếc xe ô tô an toàn, các tính năng an toàn trên xe ô tô cũng như khả năng bảo vệ người trên xe với từng loại xe cụ thể khi có va chạm, khuyến khích thúc đẩy các công nghệ mới và các chính sách liên quan tới an toàn kỹ thuật phương tiện.
Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Tất cả các xe ô tô khi lưu hành tại Việt Nam đều bảo đảm an toàn theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với ô tô, bởi vậy người dân có thể yên tâm về vấn đề này”. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường có những xe được trang bị tính năng an toàn rất cao, đồng thời có những xe đạt yêu cầu an toàn ở mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.
“Xét từ góc độ người tiêu dùng, người dân rất cần những thông tin về các tính năng an toàn, các mức an toàn mà từng loại xe đạt được để có thể lựa chọn chiếc xe phù hợp nhất với điều kiện của mình. Do đó, việc cung cấp đầy đủ thông tin một cách chính xác, khách quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ an toàn của xe ô tô, các tính năng an toàn trên phương tiện là một yêu cầu hết sức quan trọng đang đặt ra từ thực tế”, Ts. Khuất Việt Hùng đánh giá.