Người dân đến làm sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Thu Trang. |
Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) đang được UBND Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng "Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội". Hiện Sở VHTT đang lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện,cơ quan, đơn vị,… xin ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy định này trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.
Ngay sau khi công bố dự thảo, một trong số những quy định cán bộ, công chức Hà Nội không được nói ngọng, nói lắp đang gây nhiều ý kiến khác nhau do Hà Nội là thành phố có nhiều người từ các tỉnh thành về sinh sống, làm việc.
Lý giải việc đưa quy định cán bộ, công chức Hà Nội không được nói ngọng, nói lắp, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình (Sở VHTT Hà Nội) - đơn vị xây dựng dự thảo quy định cho biết: Chuẩn mực trong văn hóa phát ngôn được hiểu ở đây là chuẩn mực nói năng, trong văn bản gọi là phát ngôn. Chuẩn mực này gồm chuẩn mực tác phong, ngôn ngữ, kiến thức và xử lý tình huống khi xảy ra những va chạm trong giao tiếp. Đã là chuẩn mực thì không thể nói ngọng, nói lắp. Do đó, ngôn ngữ phải thuần Việt, phổ quát.
“Việc hạn chế việc nói ngọng, nói lắp có nghĩa là cán bộ công chức phải tự sửa. Thực tế, những cán bộ, công chức nói ngọng thì tự bản thân họ biết nhưng có sửa hay không. Đây không phải là quy định cấm và cũng không phải là tiêu chuẩn của cán bộ. Đây chỉ là khuyến cáo những ai ngôn ngữ chưa chuẩn thì khắc phục, hạn chế”, ông Nam cho biết.
Trước những ý kiến cho rằng, Hà Nội có nhiều người dân các tỉnh về làm việc và chưa có cơ sở khoa học đưa ra quy định này, ông Ngô Văn Nam cho rằng: Đúng là việc áp dụng quy định cán bộ, công chức Hà Nội không nói ngọng, nói lắp sẽ khó. Tuy nhiên, như việc học phát âm tiếng Anh khó nhưng vẫn phải học để giao tiếp. Do đó, cán bộ công chức cũng phải uốn nắn, chỉnh sửa để khi giao tiếp người nghe hiểu. Ngôn ngữ giao tiếp của cán bộ công chức theo đúng chuẩn mực văn hóa thì cũng là nội dung để góp phần làm tốt hoạt động công vụ.
“Đây không phải là nội dung cụ thể hóa quy tắc ứng xử. Đây là một là trong các yêu cầu của thành phố Hà Nội siết chặt kỷ cương hành chính; trong đó có phát ngôn của cán bộ công chức. Vấn đề này cụ thể ở chương cuối quy định xử lý tình huống. Mục đích của quy định này là để việc trao đổi thông tin rõ ràng”, ông Nam cho biết thêm.
Còn Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: "Nói ngọng, nói lắp nếu nhận thức là vấn đề không hay thì nên sửa và có quá trình tự sửa. Việc khắc phục tật nói ngọng, nói lắp phải lâu, kiên trì. Tuy nhiên phải phân biệt với ngôn ngữ địa phương. Ngôn ngữ địa phương không phải là xấu nhưng trong quá trình giao tiếp chung như ở Hà Nội thì nên khắc phục".