Các tiêu chí phân vùng:
Theo đề xuất của chuyên gia Hà Thanh Biên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Việc phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm cần dựa trên các tiêu chí như lựa chọn khu vực biển sử dụng để nhận chìm. Trong đó, việc đánh giá thông tin cơ bản về tài nguyên môi trường biển khu vực nghiên cứu phải được thu thập đầy đủ, với các số liệu về đặc điểm vật lý, hóa học, sinh học của khối nước và đáy biển khu vực biển nghiên cứu; giá trị vị thế và giá trị sử dụng của khu vực biển đó (ví dụ, các khu vực biển gần bờ, hoặc có tiềm năng sử dụng cho các luồng tàu, khu vực chuyển tiếp hàng hải, khu vực đánh cá, du lịch…); đánh giá các dòng chảy kết hợp với khảo sát thông lượng các chất thải tại khu vực biển; tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật thi công trong quá trình nhận chìm.
Các khu vực biển sử dụng để nhận chìm phải được thiết kế tại khu vực gần nơi phát sinh các chất nhận chìm như nạo vét luồng hàng hải, xử lý các chất thải rắn, các công trình, tàu thuyền trên biển… Hoạt động này tập trung chủ yếu tại các khu vực như cảng biển, khu công nghiệp, khu dân cư. Vật liệu nhận chìm không được vận chuyển quá xa để giảm giá thành khoảng cách. Do vậy, khi phân vùng sử dụng biển cho các hoạt động như cảng hàng hải, khu dân cư ven biển, công nghiệp, các công trình trên biển… cần bố trí phân vùng khu vực biển sử dụng để nhận chìm với một khoảng cách hợp lý.
Cần dự báo được một số biến đổi bất thường ở quy mô lớn như biến đổi khí hậu, các cơn bão… Ngoài ra, để có thêm lựa chọn chính xác khu vực biển sử dụng để nhận chìm cần tiến hành điều tra bổ sung, các thông tin điều tra bổ sung gồm đặc điểm của đáy biển (độ sâu, địa hình, đặc điểm địa hóa, địa chất, thành phần sinh học, hệ sinh thái và các hoạt động khác tác động đến khu vực đáy biển). Tính chất của cột nước (tính chất vật lý; sự phân tầng của cột nước theo độ sâu; tầng mặt và tầng đáy cột nước; đặc điểm sóng, gió; các chất lơ lửng và sự biến đổi các tính chất trên do gió bão và theo mùa). Các đặc tính hóa học và sinh học của cột nước (pH, độ mặn, ôxy hòa tan ở bề mặt và tầng dưới, BOD, COD, các chất dinh dưỡng và năng suất sơ cấp).
Các dữ liệu này phải được lập dưới dạng dự báo ngắn hạn và dài hạn, ngoài ra cần xem xét cả các yếu tố khác phát sinh trong quá trình nhận chìm và sau khi nhận chìm. Trong quá trình lựa chọn, phân vùng cũng cần xem xét khoảng cách từ khu vực biển sử dụng để nhận chìm đến các khu vực biển sử dụng cho mục đích khác như các khu vực du lịch, đánh bắt nuôi trồng hải sản, bảo tồn, hàng hải, an ninh - quốc phòng… Khoảng cách này phải được xác định dựa trên điều kiện thực tế đảm bảo nguyên tắc việc nhận chìm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu vực trên.
Kích thước khu vực nhận chìm phải đảm bảo các yêu cầu đủ lớn để chứa các vật liệu nhận chìm, hoặc kiểm soát được các tác động của vật liệu nhận chìm sau khi xả thải. Với các khu vực được quy hoạch để nhận chìm các vật liệu phân tán thì các vật liệu nhận chìm phải giảm kích thước (xay, nghiền) để dễ dàng phân hủy, hòa tan. Kích thước khu vực nhận chìm phải đủ rộng để có thể chứa được tất cả các thành phần của vật liệu nhận chìm; đồng thời phải đảm bảo khả năng chứa các vật liệu nhận chìm trong thời gian được quy hoạch. Song kích thước của khu vực nhận chìm không nên vượt quá khả năng theo dõi, quản lý của các cơ quan chức năng.
Công suất của khu vực nhận chìm là năng lực tiếp nhận các vật liệu của khu vực biển và phụ thuộc vào các yếu tố khả năng tiếp nhận vật liệu nhận chìm trên một đơn vị thời gian (ngày, tuần, tháng, năm). Mức độ phân tán của vật liệu trong khu vực nhận chìm cũng như độ sâu cho phép mà tại đó vật liệu bị phân hủy. Khối lượng thay đổi do quá trình vật liệu nhận chìm bị hòa tan vào nước và do việc hợp nhất giữa vật liệu nhận chìm với vật liệu dưới đáy biển.
Mặt khác phải xem xét các tác động của nhận chìm, chẳng hạn có phá hủy môi trường sống, hoặc thay đổi địa hình và trầm tích tại các bãi thải; vận chuyển huyền phù từ các bãi thải đến các khu vực nhạy cảm như thảm cỏ biển, rạn san hô; giảm lượng ánh sáng do các trầm tích lơ lửng tác động đến các sinh vật ưa sáng và môi trường sống của chúng. Các chất nhận chìm có làm vùi lấp các sinh vật đáy, gây va chạm với các động vật biển hay làm thay đổi dòng chảy và chế độ sóng. Trong các điều kiện cho phép nhất định, có thể lựa chọn các vị trí nhận chìm để tạo ra các cảnh quan hữu dụng, ví dụ sử dụng vật liệu nhận chìm để tạo ra các doi đất, kè để bảo vệ bờ biển, hoặc các rạn san hô nhân tạo…
Về thời gian phân vùng, các điều kiện tự nhiên ở biển tác động đến việc nhận chìm biến đổi rất khó lường, nên việc cấp phép cũng cần phải chú ý đến vấn đề này. Kinh nghiệm ở một số nước phát triển như Canađa, Na Uy, thời gian cấp phép cho một khu vực nhận chìm đổ thải là không quá một năm. Trong trường hợp việc nhận chìm đã có tiền lệ lâu dài hoặc xảy ra hàng năm (duy tu bảo trì các luồng hàng hải, xử lý các chất thải rắn…) thì việc đánh giá khu vực nhận chìm có thể kéo dài trong thời gian 5 năm, nhưng việc cấp phép vùng biển chỉ kéo dài 1 năm, năm tiếp theo sẽ được tiến hành với các thông tin từ lần phân vùng nhận chìm trước đó và các điều kiện xung quanh khu vực nhận chìm. |