Cụ thể, thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị tại trụ sở liên cơ quan số 2, 3, 4 của tỉnh thực hiện giảm ít nhất 50% số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đến làm việc hàng ngày tại cơ quan (trừ Sở Y tế và trường hợp đặc biệt khác do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định).
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trực tuyến tại nhà theo nguyên tắc phải hoàn thành, đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc; thường xuyên giữ liên lạc để xử lý công việc kịp thời, có mặt triển khai nhiệm vụ khi được yêu cầu. Thời gian thực hiện từ ngày 1/4.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần xử lý công việc qua Hệ thống chính quyền điện tử, hệ thống cổng dịch vụ công; sử dụng chữ ký số trong phê duyệt và phát hành văn bản; chuyển tất cả cuộc họp do cơ quan, đơn vị chủ trì sang hình thức họp trực tuyến.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì lựa chọn giải pháp họp trực tuyến đảm bảo ổn định, hiệu quả, trực quan để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong việc cài đặt, tạo tài khoản và triển khai thực hiện. Sở phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng để đảm bảo duy trì, vận hành ổn định phục vụ chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị trên môi trường mạng.
Để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, sau thành phố Hạ Long, đến ngày 31/3, toàn tỉnh Quảng Ninh có thêm 3 địa phương thực hiện việc hạn chế đi lại sau 22 giờ gồm thành phố Cẩm Phả, hai huyện Tiên Yên và Cô Tô. Theo đó, người dân ở 4 địa phương trên khi ra đường sau 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau cần mang giấy tờ tùy thân và có lý do chính đáng.
Tại thành phố Hạ Long, Công an thành phố đã huy động 182 cán bộ, chiến sĩ các đội nghiệp vụ chia thành 12 tổ công tác và 164 cán bộ, chiến sĩ Công an các phường, xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự sau 22 giờ.
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, nếu buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
* Cũng liên quan tới thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 31/3, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk triệu tập cuộc họp khẩn để triển khai.
Các thành viên Thường trực Tỉnh ủy đã đề xuất hỗ trợ phương tiện và máy móc đủ để lực lượng biên phòng kiểm soát trên tuyến biên giới; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại gia hạn và không được xử lý quá hạn đối với những người dân đáo hạn trong khoảng thời gian từ ngày 1-15/4. Các phòng khám ngoài giờ phải tạm ngưng hoạt động nhưng phòng khám đa khoa tư nhân vẫn làm việc để tránh áp lực lên hệ thống bệnh viện. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ chỉ bán cho khách mang về và không phục vụ tại chỗ. Các cửa hàng thời trang kể cả ở siêu thị, chợ hoặc trung tâm thương mại cũng tạm dừng hoạt động cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường yêu cầu các cơ quan, đơn vị bố trí lãnh đạo và cán bộ chuyên môn trực, xử lý công việc tại cơ quan, tối đa 30% lực lượng; bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; tổ chức họp trực tuyến, đảm bảo công việc của cơ quan, đơn vị được thông suốt. Các địa phương, đơn vị tạm hoãn việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở trở lên, không tổ chức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề và các hoạt động hội họp, tập trung đông người...
Trong chiều 31/3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 8 chốt chặn kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh và 6 chốt biên phòng kiểm soát trên 73 km đường biên giới giáp với Campuchia.