Là người có thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng nhưng sau khi nghe thông tin cà phê có trộn pin từ một cơ sở ở Đắk Nông mới bị phát hiện, anh Nguyễn Thanh Tâm (ngụ quận 1) tỏ ra lo lắng.
Người tiêu dùng bất an, các quán cà phê vỉa hè vắng khách sau vụ phát hiện cà phê trộn bột pin. |
Anh Tâm cho biết, anh có thói quen uống cà phê gần 20 năm nay. "Trước kia, thông tin cà phê có trộn bột bắp, bột đậu nành mình cũng thấy lo lắng nhưng nay biết thông tin cà phê còn được trộn với bột pin để tạo màu thì thật sự thấy bất an, lo lắng. Lo lắng bởi không biết sức khỏe mình bị ảnh hưởng ra sao khi uống phải những loại cà phê như vậy và mình đã uống phải loại cà phê này hay chưa. Lo lắng sắp tới sẽ phải thay đổi một thói quen lâu năm để bảo vệ chính mình từ thói quen uống cà phê mỗi ngày và khi cà phê không rõ nguồn gốc ngày càng được bày bán tràn làn trên thị trường hiện nay".
Trong khi đó, khi nghe thông tin về cà phê "bẩn" trộn bột pin ở Đắk Nông, bạn Lê Minh Vũ, sinh viên năm 3 trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cho biết đã chọn cách từ bỏ các quán cà phê vỉa hè, ven đường để tìm đến quán cà phê của người thân quen để uống.
Bạn Minh Vũ cho biết: "Mình rất thích uống cà phê nhưng mình không phân biệt được đâu là cà phê “sạch” và đâu là cà phê “bẩn”, vì vậy để bảo vệ sức khỏe và thỏa mãn sở thích uống cà phê, chắc từ giờ mình sẽ từ bỏ các quán cà phê không rõ nguồn gốc trên các vỉa hè, ven đường và tìm đến các quán cà phê của người quen".
"Mặc dù giá của những ly cà phê trong các quán thường cao gấp 2 - 3 lần so với cà phê vỉa hè, cà phê dạo… Tuy nhiên, vì đảm bảo sức khỏe, mình vẫn chấp nhận chi trả chứ mình không muốn đánh đổi sức khỏe của mình vì những ly cà phê không rõ nguồn gốc”, bạn Vũ cho biết thêm.
Cũng vì tâm lý lo sợ, hoang mang của người tiêu dùng mà những ngày qua, các quán cà phê vỉa hè có lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.
Một chủ quán bán cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) chia sẻ: Hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng vào các quán cà phê có uy tín lâu năm và muốn kinh doanh chân chính. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để tình trạng này xảy ra, ảnh hưởng đến những người kinh doanh chân chính hiện nay.
“Cũng vì thông tin về cà phê trộn pin mà mấy ngày nay lượng người uống cà phê của quán mình sụt giảm xuống 2 - 3 lần so với trước. Người dân vào quán cũng không còn kêu cà phê mà chuyển sang uống các loại nước khác, khiến mình rất buồn. Bởi thức uống chính của quán là cà phê và khách đến quán cũng vì cà phê nhưng nay lại phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác thay thế, không biết liệu có duy trì được lâu dài hay không”, vị chủ quán này cho biết.
Theo giới kinh doanh cà phê, sau vụ thông tin cà phê trộn bột pin, người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn các quán có cà phê “sạch”, cà phê rang xay tại chỗ để thỏa mãn sở thích của mình. Những quán cà phê dạng này cũng đang nở rộ tại TP Hồ Chí Minh bởi trước đó người dân đã có tâm lý sợ uống cà phê vỉa hè, quán cóc kém chất lượng do những thông tin cà phê có pha bằng bột bắp, đậu nành. Hiện nay người dân càng lo sợ hơn khi có thông tin cà phê trộn cả bột pin.
Các quán cà phê “sạch” và cà phê rang xay tại chỗ thường khá sạch sẽ, có bàn ghế lịch sự, có nhạc, wifi miễn phí và quan trọng cà phê được chủ quán đảm bảo “sạch”, chất lượng dù giá cà phê cũng không phải bình dân đối với nhiều người tiêu dùng, nhưng nhiều người tiêu dùng sẽ vẫn chấp nhận chi trả.