Các địa phương tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trên 118.400 em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong và ngoài trường học. Các em sẽ được tiêm tại trường trung học cơ sở. Các em có bệnh lý nền sẽ được tiêm tại các cơ sở y tế của địa phương. Vaccine phòng COVID-19 trong đợt tiêm chủng cho trẻ em là Pfizer-BioNTech.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), trong đợt này, thành phố có trên 28.000 cháu trong độ tuổi được tiêm chủng. Qua sàng lọc có khoảng trên 1.000 cháu sẽ tiêm tại các bệnh viện. Đến 15 giờ ngày 2/11, công tác tiêm chủng cho các em từ 16 đến dưới 18 tuổi cơ bản ổn định, một số ít các cháu có triệu chứng nhẹ được theo dõi, xử trí kịp thời và về nhà.
Theo kế hoạch, từ ngày 3/11, Quảng Ninh sẽ tiêm vaccine cho các em 12-16 tuổi, dự kiến công tác tiêm chủng sẽ hoàn thành vào ngày 7/11.
Còn tại TP Hồ Chí Minh đã có 531.998 trẻ từ 12 -17 tuổi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong ngày 1/11, Thành phố triển khai được 203 điểm tiêm, gồm 141 điểm trường học, 53 điểm cộng đồng và 9 bệnh viện tại 20 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Riêng quận Tân Bình và quận Phú Nhuận không tổ chức tiêm cho trẻ trong ngày 1/11.
Theo thống kê, tổng số trẻ được tiêm trong ngày 1/11 là 82.519 trẻ, gồm 10.612 trẻ từ 16-17 tuổi và 71.907 trẻ từ 12-15 tuổi; có 9 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, tất cả đều được xử lý kịp thời và ổn định.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 6 ngày triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay, Thành phố đã tiêm vaccine cho 531.998 trẻ, gồm 212.372 trẻ từ 16-17 tuổi và 319.626 trẻ từ 12-15 tuổi, trong đó có 51 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Tất cả những trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm đều được xử lý kịp thời.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong những ngày qua, tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống COVID-19 theo quy định. Cụ thể, đảm bảo khoảng cách giữa các khâu trong một dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại một địa điểm; đảm bảo an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp.
“Trước đây, đối với người lớn, đối tượng hoãn tiêm là F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất ngày 29/10 của Bộ Y tế, tiêu chí F0 khỏi bệnh được loại khỏi danh sách hoãn tiêm. Do đó, các F0 khỏi bệnh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi vẫn được tiêm vaccine sau khi kết thúc quá trình cách ly”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm Phó - Giám đốc HCDC cho hay.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 -17 tuổi. Chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em ở TP Hồ Chí Minh được khởi động từ ngày 27/10. Theo kế hoạch, mũi một sẽ được tiêm trong 5 ngày và tiêm vét trong hai ngày.
Số F0 ở các địa phương tăng cao
Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, trong 14 ngày qua (từ ngày 19/10 - 1/11), thành phố đã ghi nhận 1.785 trường hợp F0 (trong đó có 165 ca F0 được phát hiện qua tầm soát tại cơ sở y tế, 685 ca F0 được phát hiện trong khu cách ly, 591 ca F0 được phát hiện trong khu phong tỏa, 344 ca F0 được cách ly tại nhà). So với 14 ngày trước, số F0 tăng 2,7 lần.
Trước tình hình dịch bệnh tăng mạnh và lây lan nhanh, từ 9 giờ ngày 1/11, Cần Thơ đã nâng cấp độ dịch trên địa bàn thành phố lên cấp độ 2. Hiện tại Cần Thơ có 1 quận ở cấp độ 1, còn lại 8 quận, huyện ở cấp độ 2; có 29 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; có 43 xã, phường, thị trấn cấp độ 2; có 10 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 và 1 phường cấp độ 4.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), ổ dịch COVID-19 trên địa bàn đã tăng lên 8 ca, tập trung tại các phường Trung Thành, Phú Xá, Hương Sơn. Như vậy, chỉ trong 3 ngày từ 31/10 đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận 11 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số đó có 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ và 8 trường hợp tại thành phố Thái Nguyên. Đây là những trường hợp di chuyển về Thái Nguyên từ các địa phương khác và có diễn biến dịch tễ rất phức tạp, liên quan đến nhiều trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Để kiểm soát dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đang huy động lực lượng gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên để sớm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Nguyễn Thị Như cho biết, thành phố có khoảng 180.000 người từ 18 tuổi trở lên, thuộc diện được tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo Kế hoạch ban đầu, thành phố phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 7/11 và mũi 2 trước ngày 31/12. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền, lực lượng chức năng thành phố xác định quyết tâm hoàn thành chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất có thể, góp phần kiểm soát các ổ dịch.
Tại xã biên giới Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên), ngành y tế tỉnh Điện Biên cùng chính quyền địa phương đã cấp bách triển khai các biện pháp phòng, chống, không để dịch lây lan trên diện rộng. Trước đó, vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 1/11, tỉnh Điện Biên ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân số 927513 là nam, 29 tuổi, thường trú tại bản Gia Phú A (xã Na Tông, huyện Điện Biên).
Từ đêm 1/11 đến sáng 2/11, Sở Y tế đã cử 2 đoàn công tác với 160 cán bộ y tế vào 2 xã Na Tông và Mường Nhà (huyện Điện Biên) để khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, do đặc thù là địa bàn biên giới vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nên công tác truy vết, xét nghiệm gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên, cho biết, do đây là ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng chưa xác định nguồn lây nên biện pháp cấp bách nhất hiện nay là tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trường hợp có liên quan và lấy mẫu trên diện rộng tại 4 xã Na Tông, Mường Nhà, Mường Lói và Phu Luông (huyện Điện Biên). Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung trang, thiết bị cần thiết phục vụ công tác khoanh vùng, khống chế dịch với phương châm 4 tại chỗ; tổ chức điều trị F0 ngay tại Phòng khám Đa khoa xã Mường Nhà; bố trí các điểm cách ly tại 2 xã Mường Nhà và Na Tông; huy động máy xét nghiệm lưu động phục vụ công tác xét nghiệm nhằm kịp thời xác định ca nhiễm.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVD-19 tỉnh Bình Dương đánh giá, sau một tháng trở lại trạng thái "bình thường mới", Bình Dương đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh. Mọi hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội đang diễn ra thuận lợi, đến nay đã có hơn 90% doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, tỉnh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất là nhờ việc bao phủ vaccine phòng COVID-19 kịp thời cho người dân trong tỉnh. Trong tháng 8 và đầu tháng 9/2021 dịch bùng phát nhưng nhờ nguồn phân bổ vaccine phòng COVID-19 nhanh, kịp thời; việc tổ chức tiêm khẩn trương nên đã ngăn chặn được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tạo tiền đề kiểm soát tốt dịch bệnh sau khi tỉnh trở về trạng thái "bình thường mới".
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm 3.938.765 liều trong 5.322.890 liều vaccine phòng COVID-19 được phân bổ. Trong đó, có 2.344.117 người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 1.594.647 người được tiêm đủ mũi 2. Bình Dương cũng đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi; trong đó, tỉnh đã tổ chức tiêm cho trẻ 15-17 tuổi và chuẩn bị đưa các học sinh trở lại trường học.
Cả nước có thêm 5.613 ca F0
Bộ Y tế cho biết, ngày 2/11, cả nước ghi nhận 5.637 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 5.613 ca ghi nhận trong nước (tăng 18 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố; có 2.258 ca trong cộng đồng.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 932.357 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.465 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 927.494 ca, trong đó có 821.989 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 12 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (433.751 ca), Bình Dương (234.520 ca), Đồng Nai (67.294 ca), Long An (35.063 ca), Tiền Giang (17.009 ca). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 2/11 là 2.741 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 824.806 ca.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 1/11 đến 17 giờ 30 phút ngày 2/11, cả nước ghi nhận 74 ca tử vong; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (31 ca), Bình Dương (19 ca), An Giang (6 ca), Kiên Giang, Đồng Nai (mỗi địa phương 4 ca), Long An (3 ca), Cần Thơ, Tiền Giang (mỗi địa phương 2 ca), Tây Ninh, Khánh Hòa, Đắk Lắk (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 58 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.205 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 90.603 xét nghiệm cho 205.060 lượt người; từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 22.396.096 mẫu cho 60.740.162 lượt người.
Trong ngày 1/11 có 1.277.565 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 83.131.464 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 58.013.895 liều, tiêm mũi 2 là 25.117.569 liều.