Tổng hợp COVID-19 ngày 28/10: Các địa phương ngăn chặn dịch lây lan; thêm 4.892 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 28/10 thu hút sự quan tâm của dư luận là các địa phương tập trung nâng cao năng lực điều trị, ngăn chặn dịch lây lan và Việt Nam ghi nhận 4.892 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, một số tỉnh có số ca tăng cao nhất trong ngày.

Các địa phương nâng cao năng lực điều trị, ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan

Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, nhất là có thêm nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều quyết định thành lập thêm nhiều cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Một chốt kiểm soát dịch trên đường Trần Huỳnh, thành phố Bạc Liêu. Ảnh minh họa: TTXVN.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng ra quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 nhẹ và không triệu chứng TP Bạc Liêu, do Trung tâm Y tế thành phố Bạc Liêu phụ trách chuyên môn. Đây là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 3, có quy mô 200 giường bệnh. Thời gian hoạt động kể từ ngày 26/10/2021 cho đến khi được cấp có thẩm quyền cho phép giải thể.

Trước đó, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 khoảng 500 giường nằm trên địa bàn xã Phong Thạnh A (thị xã Giá Rai) sau khi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 từ các công ty thủy sản trên địa bàn thị xã Giá Rai. Cơ sở này bắt đầu hoạt động từ ngày 21/10, chủ yếu thu dung, điều trị các ca mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.

Còn tại Đắk Nông, ngày 28/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh ban hành Công văn hỏa tốc số 6296/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế theo quy định; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp cách ly tập trung, cách ly tại nhà, không để lây lan dịch bệnh. Cơ quan chức năng tăng cường áp dụng phù hợp các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa hẹp, quản lý chặt, kịp thời truy vết, cách ly khi có ca bệnh mới.

Ngoài ra, Đắk Nông cũng quy định, trong vòng 14 ngày, kể từ ngày 29/10/2021, các trường hợp đặc biệt đi công tác hoặc có việc cấp thiết phải có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền; đồng thời, phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trong công tác phòng dịch ngay tại cơ quan, đơn vị mình.

Tỉnh Đồng Tháp đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Đến ngày 27/10, toàn tỉnh tiêm được 985.319 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 834.300 liều (đạt 61,46% dân số của tỉnh từ 18 tuổi trở lên); mũi 2 là 151.019 liều (đạt 11,13% dân số từ 18 tuổi trở lên).

Dự kiến, đến hết quý I năm 2022, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho Đồng Tháp trên 2,2 triệu liều vaccine. Ngành Y tế Đồng Tháp đang tích cực đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt công suất tiêm chủng 60.000 liều vaccine/ngày. Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh liên tục mở chiến dịch tiêm chủng để đảm bảo phủ vaccine cho những đối tượng theo quy định. Công tác chuẩn bị dây chuyền lạnh bảo quản vaccine; nhập dữ liệu người được tiêm vào hệ thống; an toàn tiêm chủng… phải nâng lên một mức để thích ứng với nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các địa phương và sở, ngành liên quan nhằm sắp xếp tổ chức để đủ lực lượng thực hiện chiến dịch tiêm chủng với số lượng vaccine lớn, đảm bảo thời gian.

Để tăng tốc tiêm vaccine, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu ngành y tế tổ chức tiêm chủng với phương thức điểm tiêm cố định và đội tiêm lưu động phục vụ những đối tượng gặp khó khăn trong việc đi lại; làm việc kể cả ngày nghỉ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập tổ chuyên tiêm cho những trường hợp có bệnh nền, bị dị ứng... Các địa phương huy động tối đa những nguồn lực khác tham gia nhập dữ liệu thông tin, hậu cần và giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm tiêm.

Để đáp ứng công tác phòng chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả, Đà Nẵng mở rộng đối tượng F1 được cách ly y tế tại nhà ngay từ khi phát hiện. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện tiếp tục hỗ trợ công tác quản lý, giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp đủ điều kiện cách ly tại nhà bằng ứng dụng công nghệ thông tin, vòng đeo tay thông minh; phối hợp sản xuất các vật liệu thông tin, truyền thông điện tử để người quản lý, giám sát, người cách ly, người cùng nhà, người chăm sóc biết và thực hiện.

Tại Long An,  Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh đã có phương án sắp xếp hệ thống bệnh viện điều trị 3 tầng phù hợp với tình hình mới. Hiện, Long An có 20 cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tổng quy mô 8.889 giường bệnh (tầng 1: 6.820 giường bệnh, tầng 2: 1.679 giường bệnh, tầng 3: 390 giường bệnh). Dự kiến, sau ngày 30/10, các bệnh viện dã chiến trưng dụng từ trường học, trụ sở cơ quan, nhà kho, nhà xưởng sẽ lần lượt được giải phóng. Đồng thời, tỉnh bổ sung thêm 10 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng cách sử dụng Khoa Nhiễm của Trung tâm Y tế có giường bệnh để bố trí giường bệnh cho phù hợp với từng cơ sở và khu vực bảo đảm tính chủ động, kịp thời và hiệu quả.

Sau ngày 31/12, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, Long An dự kiến quy mô giường bệnh là 21 cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến với 1.329 giường bệnh (tầng 1: 260 giường bệnh, tầng 2: 629 giường bệnh, tầng 3: 440 giường bệnh)...

Việt Nam ghi nhận 4.892 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, một số tỉnh có số ca tăng cao nhất trong ngày

Tính từ 17 giờ ngày 27/10 đến 17 giờ ngày 28/10, Việt Nam ghi nhận 4.892 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Đồng Nai, Hà Giang, Bình Dương có số ca tăng trong ngày cao nhất.

Chú thích ảnh
Người dân khu vực nguy cơ được xét nghiệm sàng lọc. Ảnh: TTXVN.

Trong số các ca nhiễm mới có 16 ca nhập cảnh và 4.876 ca ghi nhận trong nước (tăng 472 ca so với ngày trước đó) tại 16 tỉnh, thành phố (có 1.980 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bạc Liêu (giảm 242 ca), Đắk Lắk (giảm 174 ca), TP Hồ Chí Minh (giảm 71 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đồng Nai (tăng 246 ca), Hà Giang (tăng 165 ca), Bình Dương (tăng 97 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.980 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 905.477 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.193 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 900.669 ca, trong đó có 811.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (429.082 ca), Bình Dương (231.024 ca), Đồng Nai (63.715 ca), Long An (34.541 ca), Tiền Giang (16.124 ca).

Trong ngày 28/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.649 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 813.963 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.687 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 27/10 đến 17 giờ 30 ngày 28/10, cả nước ghi nhận 54 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (25), Bình Dương (6), Tiền Giang (4), Long An (4), Tây Ninh (4), Đồng Nai (3), Sóc Trăng (2), Kiên Giang (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1), An Giang (1), Ninh Thuận (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 60 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.910 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tính đến ngày 27/10/2021, đã có 63/63 tỉnh thực hiện đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Trong đó, 7.264 xã, phường cấp độ 1 (68,5%); 3.126 xã, phường cấp độ 2 (29,5%); 145 xã, phường cấp độ 3 (1,4%); 67 xã, phường cấp độ 4 (0,6%). (Theo công bố cấp độ dịch của các địa phương trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 27/10 đến 18 giờ ngày 28/10, Hà Nội ghi nhận 33 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đó, có 11 ca cộng đồng, 11 ca trong khu cách ly, 11 ca trong khu phong tỏa.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.264 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.669 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.595 ca.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/10: Số ca mắc mới tăng trở lại; TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/10: Số ca mắc mới tăng trở lại; TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em

Ngày 27/10, Việt Nam ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng so với ngày trước đó. TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em và được nhiều phụ huynh đón nhận. Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca F0, thêm ổ dịch tại thôn Bạch Trữ, Mê Linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN