Tổng hợp COVID-19 ngày 23/10: Miền Tây tăng số ca nhiễm mới; Trà Vinh kích hoạt lại 3 bệnh viện dã chiến

Ngày 23/10, Việt Nam có 3.373 ca mắc mới COVID-19. Đáng chú ý, số ca mắc mới tại một số tỉnh miền Tây và miền Đông tăng. Theo đó, Trà Vinh đã kích hoạt lại 3 bệnh viện dã chiến, trong khi đó An Giang kích hoạt lại giờ giới nghiêm.

Giảm 616 ca so với ngày trước

Tính từ 17 giờ ngày 22/10 đến 17 giờ ngày 23/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.373 ca nhiễm mới tại 47 tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sau khi ghi nhận ổ dịch phức tạp ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Trong số các ca nhiễm mới, có 12 ca nhập cảnh và 3.361 ca ghi nhận trong nước (có 1.332 ca trong cộng đồng). Như vậy, so với ngày trước đã giảm 616 ca mắc mới COVID-19.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là TP Hồ Chí Minh (giảm 456 ca), Đắk Lắk (giảm 266 ca), Sóc Trăng (giảm 148 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (tăng 188 ca), Tiền Giang (tăng 95 ca), Bạc Liêu (tăng 47 ca).

Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.422 ca/ngày.

Có 1 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Bắc Kạn.

Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP Hồ Chí Minh (424.155 ca), Bình Dương (228.316 ca), Đồng Nai (61.103 ca), Long An (34.139 ca), Tiền Giang (15.548 ca).

Trong ngày 23/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.338 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 804.664 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.977 ca. Số ca tử vong là 77 ca gồm: TP Hồ Chí Minh (42 ca), Bình Dương (12 ca), Đồng Nai (5 ca), Long An (3 ca), Sóc Trăng (3 ca), Tiền Giang (2 ca), An Giang (2 ca), Ninh Thuận (2 ca), Bình Phước (1 ca), Đắk Nông (1 ca), Cần Thơ (1 ca), Trà Vinh (1 ca), Bạc Liêu (1 ca), Thanh Hoá (1 ca).

Trung bình, số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 70 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.620 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 23/10, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tỉnh, thành phố, Công an tỉnh, thành phố và Chính quyền địa phương triển khai việc thu thập, cập nhật, xác minh thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo quy trình và thực hiện việc báo cáo kết quả tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế Bộ, ngành và các cơ sở tiêm chủng (nhà nước và tư nhân) triển khai tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Chính quyền địa phương để triển khai hoạt động theo quy trình.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 22/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine. Ban chỉ đạo dự kiến có khoảng 780.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi cần tiêm vaccine. Thành phố tiêm trước cho trẻ từ 16 - 17 tuổi.

An Giang 'giới nghiêm' toàn tỉnh từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau

Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 đã giảm mạnh so với những ngày trước, nhưng do “làn sóng” người dân các tỉnh về quê miền Tây và miền Đông trong những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giản cách, số ca nhiễm tại một số tỉnh này cũng tăng lên.

Để kiểm soát dịch bệnh, chiều 23/10 tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện “giới nghiêm” trong phạm vi toàn tỉnh từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau cho đến khi có thông báo mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thực hiện test nhanh COVID-19 mẫu gộp 10 cho các F0 không triệu chứng. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Theo UBND tỉnh An Giang, mặc dù tỉnh đã ban hành Quyết định áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) người dân được phép đi lại bình thường. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng và tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không được kiểm soát tốt.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, quy định “giới nghiêm” từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau không áp dụng cho các đơn vị tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch như công an, quân sự, biên phòng, y tế, hải quan, dân quân tự vệ... và các lực lượng phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh.

Quy định “giới nghiêm” cũng không áp dụng đối với các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cán bộ, công chức, viên chức tham mưu xử lý công việc, phục vụ hoạt động của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch và những trường hợp khẩn cấp khác.

Trà Vinh kích hoạt lại 3 bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19

Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trà Vinh, tỉnh vừa kích hoạt lại 3 bệnh viện dã chiến để thu dung, sàng lọc, cách ly và điều trị các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Bệnh viện dã chiến số 4 (Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần) quy mô 200 giường bệnh, Bệnh viện dã chiến số 6 (Bệnh viện Y Dược cổ truyền) quy mô 100 giường, Bệnh viện dã chiến số 7 (Cơ sở đào tạo Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) quy mô 450 giường bệnh.

Trước đó, vào cuối tháng 9, ba bệnh viện này không còn bệnh nhân COVID-19 nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trà Vinh đã quyết định kết thúc để chuyển đổi về công năng ban đầu. Tuy nhiên, sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, số người dân Trà Vinh về địa phương liên tục gia tăng, trong đó rất nhiều người mắc COVID-19. Từ ngày 1/10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận trên 20.500 người dân ngoài tỉnh trở về; trong số này, phát hiện 543 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, những ngày gần đây, tỉnh Trà Vinh còn phát sinh thêm nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Sáng 23/10, trong số 58 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có 28 ca được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng.

Bình Phước xuất hiện một số chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây

Theo Trung tâm Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước, từ ngày 20-22/10, trên địa bàn ghi nhận thêm 32 ca mắc COVID-19, trong đó 21 ca là người dân từ các tỉnh, thành phố về Bình Phước và tài xế giao hàng. Trong tỉnh xuất hiện hai ổ dịch COVID-19 mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây tại huyện Phú Riềng và huyện Hớn Quản.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng điều phối giao thông, hướng dẫn người dân vào làm thủ tục tại chốt Tân Lập, huyện Đồng Phú sáng 17/10. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Phú (Bình Phước), cho biết ngày 22/10 trên địa bàn ghi nhận chùm 10 ca mắc COVID-19 đều trong cùng một gia đình tại ấp 3, xã Đồng Tâm.

Kết quả điều tra dịch tễ bước đầu cho thấy, ngày 15/10 có 1 sinh viên từ TP Hồ Chí Minh về thăm gia đình tại ấp 3, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Sinh viên này đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 vào ngày 8/10 và được yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà. Sinh viên trên tiếp xúc với các thành viên trong gia đình gồm 9 người.

Đến ngày 22/10, người này có biểu hiện ho, mệt mỏi, nên đến Trạm y tế xã Nghĩa Trung thông báo và được cán bộ của trạm hướng dẫn đến test nhanh COVID-19 tại một phòng khám và cho kết quả dương tính. Sau đó CDC tỉnh Bình Phước đã xét nghiệm PCR và cho kết quả khẳng định dương tính. Chín người trong gia đình sinh viên trên gồm bố, mẹ, 2 anh trai, 1 chị gái, 1 chị dâu và 3 cháu cũng được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện Ủy ban nhân dân huyện Đồng Phú và chính quyền địa phương đang truy vết các trường hợp F1, F2 để thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch bảo đảm vaccine phòng, chống COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản hỏa tốc số 7708/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng kế hoạch bảo đảm vaccine phòng, chống COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng kế hoạch bảo đảm vaccine phòng chống COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Để triển khai hiệu quả phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẩn trương chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch bảo đảm vaccine cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, phù hợp với dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu tiêm vaccine phòng, chống dịch, thích ứng an toàn theo quy định; đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine khoa học, an toàn, theo quy định; hướng dẫn thủ tục cung cấp vaccine sản xuất trong nước, bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tập trung thực hiện các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; căn cứ các hợp đồng mua vaccine đã ký kết, các cam kết tài trợ, viện trợ của quốc tế và khả năng sản xuất vaccine trong nước; đồng thời đánh giá nhu cầu, số lượng vaccine cho từng giai đoạn (bao gồm cả vaccine cho trẻ em và tiêm mũi 2 của các loại vaccine đã tiêm và khả năng tăng cường) để khẩn trương lên kế hoạch bảo đảm vaccine cho các tháng 10, 11, 12/2021 và năm 2022, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét trước khi báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 22/10: Các tỉnh được công bố cấp độ dịch; có 3.985 ca nhiễm mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 22/10: Các tỉnh được công bố cấp độ dịch; có 3.985 ca nhiễm mới

Trong ngày 22/10, người dân quan tâm đến các thông tin nổi bật như: Công bố cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành phố; Việt Nam ghi nhận 3.985 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 50 tỉnh, thành phố; doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều lao động khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19; Nam Định mở rộng vùng phong tỏa khi ghi nhận thêm 17 ca mắc mới…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN