Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhà giáo, học sinh, sinh viên
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tác động của dịch đối với các lĩnh vực giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch. Công tác dạy và học, phát triển đội ngũ, tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh bị tác động lớn.
Theo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp. Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ. Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện trong thực tế, chưa phù hợp và bảo đảm công bằng trong tiếp cận với trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả. Trong khi đó, phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021, 62/63 tỉnh, thành phố có người mắc COVID-19, trong đó có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 có em. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em F0 và trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước và nhiều trẻ em nhiễm COVID-19 có chuyển biến nặng. Hà Nội có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình.
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể. Rà soát, đánh giá kỹ thực trạng, khó khăn, vướng mắc về triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng địa bàn, từng cấp học, bậc học, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động dạy học và sự công bằng về điều kiện học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh.
Căn cứ vào thực tế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, địa bàn nào được xác định dịch cấp độ 1, 2, thì học sinh được đến trường học trực tiếp.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): Địa bàn tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, lớp 9, 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng chống dịch.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Địa bàn phải căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học... Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp; phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.
Việt Nam ghi nhận 3.034 ca nhiễm SARS-CoV-2, có 3.522 ca nặng đang điều trị
Ngày 19/10, Việt Nam ghi nhận 3.034 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, hiện có 3.522 ca nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Trong số các ca nhiễm mới có 7 ca nhập cảnh và 3.027 ca ghi nhận trong nước (giảm 132 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 1.220 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 61 ca), Đắk Lắk (giảm 46 ca), Cà Mau (giảm 38 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Tây Ninh (tăng 86 ca), Bình Dương (tăng 61 ca), Lâm Đồng (tăng 34 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.272 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 870.255 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.838 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 865.558 ca, trong đó có 792.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình. Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (419.599), Bình Dương (226.353), Đồng Nai (59.386), Long An (33.857), Tiền Giang (15.184).
Ngày 19/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.866 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 794.846 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.522 ca.
Trong ngày ghi nhận 75 ca tử vong là: TP Hồ Chí Minh (47), Bình Dương (11), Đồng Nai (5), Tiền Giang (3), Long An (2), An Giang (2), Bình Thuận (2), Cà Mau (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 83 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.344 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày 18/10, cả nước có 1.522.598 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 64.992.488 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 46.493.751 liều, tiêm mũi 2 là 18.498.737 liều.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, đến ngày 19/10, Hà Nội đã có 1.872 người về từ các tỉnh phía Nam. Các trường hợp đi về đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó phát hiện 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, các ca nhiễm là người về từ các tỉnh gồm: TP Hồ Chí Minh (15 ca), Đồng Nai (4 ca), Bình Dương (2 ca), Tây Ninh (1 ca). Các ca nhiễm phân bố theo phương tiện di chuyển gồm: Người đi bằng ô tô (15 ca), người đi máy bay (6 ca), người đi xe máy (1 ca).
Cũng trong ngày 19/10, Bộ Y tế đã tiếp nhận 100.000 liều vaccine COVID-19 và 100.000 kit xét nghiệm nhanh của Chính phủ Hungary.