TP Hồ Chí Minh giảm còn 790 ca mắc COVID-19 mới
Tính từ 17 giờ ngày 15/10 đến 17 giờ ngày 16/10, Việt Nam ghi nhận 3.221 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó, TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu nhưng chỉ có 790 ca nhiễm mới trong ngày. Đứng thứ 2 là Đồng Nai với 397 ca, Bình Dương 385 ca, Sóc Trăng 142 ca, An Giang 130 ca, Tiền Giang 121 ca, Bình Thuận 116 ca, Tây Ninh 101 ca…
Trong số các ca nhiễm mới, có 10 ca nhập cảnh và 3.211 ca ghi nhận trong nước (giảm 578 ca so với ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố (có 1.172 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm: TP Hồ Chí Minh (giảm 341 ca), Sóc Trăng (giảm 272 ca), Đồng Nai (giảm 189 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bình Thuận (tăng 116 ca), Đắk Lắk (tăng 84 ca), Quảng Nam (tăng 60 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.374 ca/ngày.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 856.197 ca, trong đó có 787.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình. Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP. Hồ Chí Minh (416.665 ca), Bình Dương (224.877 ca), Đồng Nai (58.105 ca), Long An (33.684 ca), Tiền Giang (14.965 ca).
Trong ngày 16/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.581 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 790.504 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.528 ca. Số ca tử vong là 88 ca, tại: TP Hồ Chí Minh (58), Bình Dương (11), Tiền Giang (3), Long An (3), Tây Ninh (3), An Giang (2), Cần Thơ (2), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1), Đồng Nai (1), Gia Lai (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).
Trong ngày 15/10 có 1.353.809 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 60.518.594 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 42.896.644 liều, tiêm mũi 2 là 17.621.950 liều.
TP Hồ Chí Minh đề xuất tiêm vaccine cho trẻ 12 - 17 tuổi từ ngày 22/10
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng kế hoạch trên để đảm bảo bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân thành phố. Sở Y tế đề xuất thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 22/10 cho tất cả trẻ từ 12 đến 17 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; học sinh đang đi học từ lớp 6 đến lớp 12 với số lượng dự kiến khoảng 780.000 trẻ.
TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và tại các điểm tiêm lưu động, trường học trên địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức với loại vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.
Ngoài ra, trước việc số ca mắc COVID-19 mới đang giảm dần, TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch từ giữa tháng 10 đến tháng 12/2021 đóng cửa các bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, ưu tiên đóng cửa sớm các bệnh viện dã chiến bố trí tại các trường học và ký túc xá, trả lại mặt bằng cho học sinh, sinh viên chuẩn bị trở lại trường học. Cụ thể, trong ngày 16/10, Thành phố đóng cửa Bệnh viện Dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về việc phân cấp độ dịch của Thành phố hiện nay, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thông tin: Theo 3 tiêu chí đánh giá của Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” TP Hồ Chí Minh đang ở tạm mức 3 – vùng cam và có thể sẽ chuyển xuống cấp độ mức 2 - vùng vàng trong vài ba ngày tới.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố đã giảm dần trong 14 ngày qua, ở mức từ 1.000-1.500 ca mắc mới/ngày. Số lượng bệnh nhân xuất viện cũng cao hơn số nhập viện, số ca bệnh nặng giảm dần, số ca tử vong giảm liên tục. Tuy nhiên, căn cứ vào tiêu chí tỷ lệ ca mắc/100.000 dân/tuần thì TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine của thành phố đã đạt 98% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và 75% đã tiêm mũi 2. Dựa theo cấp độ dịch mà Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành thì TP Hồ Chí Minh đang tạm ở mức 3 – vùng cam.
Bình Dương: Bỏ bắt buộc cách ly người từ tỉnh khác đến
Ngày 16/10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương ký văn bản khẩn liên quan tới nội dung công văn số 2628 hướng dẫn về việc theo dõi người cách ly tại nhà và cách ly y tế đối với các trường hợp nguy cơ vào địa bàn tỉnh do Sở ban hành vào ngày 15/10.
Theo nội dung văn bản mới này, người nước ngoài nhập cảnh; các trường hợp đủ điều kiện xuất viện, hoàn thành thời gian điều trị COVID-19, trường hợp tiếp xúc gần với F0 từ các tỉnh, thành phố khác đến tỉnh Bình Dương… thuộc diện áp dụng cách ly y tế. Các trường hợp còn lại từ các tỉnh, thành phố khác đến Bình Dương thực hiện theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Trước đó, ngày 15/10, Sở Y tế Bình Dương có công văn về việc theo dõi người cách ly tại nhà và cách ly y tế đối với các trường hợp nguy cơ vào địa bàn tỉnh này. Trong văn bản nêu rõ, những người đến từ các tỉnh thành khác vào Bình Dương (F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã tiêm 1 mũi đủ 14 ngày), phải cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày tiếp theo. Riêng đối với những người nhập cảnh, người có tiếp xúc với F0 thì phải cách ly tập trung 14 ngày và theo dõi tại nhà 7 ngày sau đó.
Đáng chú ý, Sở y tế tỉnh lại có "ưu tiên" đối với khách mời, chuyên gia có cấp hàm ngang Thứ trưởng trở lên. Nhóm người này không cần phải cách ly tập trung. Sau khi văn bản này ban hành, nhiều người dân đã có phản ứng vì có một số điểm chưa rõ ràng và chưa phù hợp với văn bản chỉ đạo của Bộ y tế thống nhất cho cả nước.
Ngoài ra, từ ngày 22/10 tới đây, Bình Dương cho phép kinh doanh vé số được hoạt động lại. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và duy trì, đầu tháng 11 tới, địa phương sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề không thiết yếu, dễ gây bùng phát dịch như: Karaoke, vũ trường, quán bar, massage…
Bà Rịa-Vũng Tàu: Nới lỏng một số hoạt động từ ngày 16/10
Trong khi đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có văn bản 15467/UBND-VP về việc áp dụng tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 16/10, người dân Bà Rịa-Vũng Tàu được di chuyển giữa các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh; trừ những trường hợp đi, đến các địa bàn có dịch ở cấp độ 3, 4. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chuyển hoạt động các chốt kiểm soát tại cấp xã, huyện thành các tổ tuần tra lưu động để giám sát, hướng dẫn và kiểm tra việc đi lại, lưu trú, theo dõi sức khoẻ của người dân, nhất là từ các tỉnh khác về.
Lực lượng Công an vẫn duy trì các chốt kiểm soát ra, vào tỉnh nhằm hướng dẫn người dân qua chốt thực hiện khai báo y tế và di chuyển (qua phần mềm VNIED hoặc bản giấy). Người dân vào tỉnh không cần xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 khi qua chốt; thực hiện khai báo với công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú, tạm trú trên các ứng dụng PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử hoặc phần mền VNIED. Trường hợp không lưu trú qua đêm thì không cần khai báo.
Về việc thực hiện các biện pháp y tế đối với người từ các địa phương khác về, tỉnh sẽ theo dõi chặt chẽ người dân từ các địa phương, khu vực có dịch vừa hết giãn cách và căn cứ tình hình để thực hiện xét nghiệm, cách ly phù hợp. Thông tin cụ thể tại đây.
Ngoài ra, từ ngày 16/10, người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được tắm biển, tham gia các hoạt động thể dục ngoài trời nhưng không tập trung quá 20 người; hoạt động thể dục trong nhà không tập trung quá 10 người, người tham gia tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Các dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động nhưng không quá 5 người cùng thời điểm. Dịch vụ ăn, uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về.
Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp, dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà; cửa hàng tạp hóa, sách, thiết bị văn phòng, đồ dùng, dụng cụ học tập, công nghệ thông tin, thiết bị tin học, điện máy, chợ truyền thống được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo đúng theo phương án phòng, chống dịch đã được phê duyệt….
Ninh Bình không thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm dịch
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay một số nội dung: Không thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn toàn tỉnh, không kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người đi qua các chốt; các chốt kiểm dịch tăng cường giám sát, khai báo y tế dưới mọi hình thức bằng bản giấy hoặc các ứng dụng trên điện thoại thông minh; hướng dẫn người về từ các vùng dịch cấp độ 2-3-4 khi về địa phương phải khai báo ngay với Trạm y tế xã/phường/thị trấn đồng thời thông báo với chính quyền địa phương để được thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố chỉ đạo chính quyền cấp xã và các cơ quan y tế địa phương đẩy mạnh hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn và ứng phó kịp thời đối với các nguy cơ dịch COVID-19 tại cộng đồng.
Sơn La: Áp dụng các biện pháp mới về phòng, chống dịch COVID-19
Để kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành văn bản số 3475/UBND-KGVX hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đi, đến tỉnh Sơn La.
Theo đó, tỉnh Sơn La duy trì hoạt động các chốt kiểm soát dịch liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 tại các huyện Vân Hồ và Phù Yên. Người đến, trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ thấp cấp độ 1 (vùng xanh), nguy cơ trung bình cấp độ 2 (vùng vàng) và nguy cơ cao cấp độ 3 (vùng cam) thực hiện khai báo y tế, quét mã QR theo quy định. Người đến, trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ rất cao cấp độ 4 (vùng đỏ) phải thực hiện khai báo y tế và phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong thời gian 72 giờ. Trong trường hợp khi người qua chốt có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng nghi ngờ phải được thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát dịch, kể cả khi đã có giấy xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ.
Cùng với đó, tất cả các trường hợp vào tỉnh Sơn La phải thực hiện khai báo y tế, quét mã QR tại các trạm kiểm soát dịch liên ngành trước khi vào địa bàn và khi trở về địa phương nơi đến, lưu trú. Trong đó, đối với người đến và về từ vùng cấp độ 4 (vùng đỏ) đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện hoặc giấy xác nhận khỏi COVID-19) tự theo dõi sức khỏi tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ khi trở về địa phương; thực hiện xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh hoặc RT-PCR; tuân thủ thông điệp 5K trong suốt quá trình tự theo dõi sức khỏe.
Tỉnh Sơn La test nhanh kháng nguyên hoặc PCR miễn phí đối với tất cả các trường hợp đến, trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai cho đến khi có thông báo mới...
Hưng Yên: Cho phép một số dịch vụ được hoạt động trở lại
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn vừa cho biết, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động trên địa bàn tỉnh từ ngày 16/10; trong đó, có một số dịch vụ được hoạt động trở lại.
Cụ thể, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán giải khát; cơ sở cắt tóc, gội đầu, spa, chăm sóc sắc đẹp, massage, gym, yoga hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm, không quá 10 người trong 1 phòng. Tỉnh tiếp tục dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống vỉa hè; dịch vụ vũ trường, karaoke, quán bar, game, internet.
Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống cũng được hoạt động đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông xây dựng hoạt động khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Nhiều dịch vụ khác cũng cho phép hoạt động trở lại, thông tin cụ thể tại đây.