Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi 12- 17 tuổi từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12- 17 tuổi.
Theo đó, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tính đến hết ngày 11/10/2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 55 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...). Một số loại vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Để từng bước tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng COVID-19, theo kinh nghiệm sử dụng của một số quốc gia; Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Loại vaccine sử dụng là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.
Các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Các Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách. Việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế.
Theo đó, cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ em (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Du lịch khẩn trương khôi phục lại hoạt động an toàn, chắc chắn
Tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án tái khởi động hoạt động du lịch trong thời gian tới, sáng 14/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Du lịch khẩn trương khôi phục hoạt động an toàn, chắc chắn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các phương án từng bước mở lại hoạt động du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2021 Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, cùng với đó, ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh đã nâng cao thêm một mức… tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch từng bước hoạt động trở lại.
Nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh đối với ngành Du lịch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải khẩn trương ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. "Phải rất cụ thể, chi tiết từ phương thức vận tải, xét nghiệm; điều kiện trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ đến hợp đồng với cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca dương tính nhanh nhất, gọn nhất… Các hiệp hội du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn của Bộ, khuyến khích các doanh nghiệp thành viên thực hiện để mở lại các hoạt động từng bước, an toàn". Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Y tế làm rõ việc xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn mới
Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiêm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Ngày 12/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Hướng dẫn nêu rõ: Người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và người đã khỏi bệnh COVID-19 chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; không chỉ định xét nghiệm đối với người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế.
Trao đổi về Hướng dẫn này, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Yêu cầu về xét nghiệm tại hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh, đồng thời cũng tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong quyết định xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch.
Theo đó, điểm mới trong thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong hướng dẫn tạm thời này thể hiện ở các điểm như:
Ngày 14/10, Việt Nam ghi nhận 3.092 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 81 ca tử vong
Ngày 14/10, Việt Nam ghi nhận 3.092 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 3.088 ca ghi nhận trong nước (giảm 370 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố.
Ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng đăng ký bổ sung mã ca bệnh cho 1.059 ca bệnh là các ca bệnh được lấy mẫu từ thời gian trước đó tại khu phong tỏa hoặc là người về địa phương từ vùng dịch, đã được cách ly.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 853.842 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.672 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 849.197 ca, trong đó có 785.188 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước gồm: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.
Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (414.744 ca), Bình Dương (223.959 ca), Đồng Nai (57.122 ca), Long An (33.567 ca), Tiền Giang (14.774 ca).
Trong ngày ghi nhận 81 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (61 ca), Bình Dương (10 ca), Long An (3 ca), Đồng Tháp (1 ca), An Giang (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Bạc Liêu (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Sóc Trăng (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.950 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Đà Nẵng dự kiến mở cửa trở lại nhiều hoạt động từ ngày 16/10
Chiều 14/10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay, qua báo cáo của 7 quận, huyện, 56/56 xã, phường đã thống nhất ở cấp độ 2. Theo dự kiến vào 0 giờ ngày 16/10, thành phố sẽ chuyển cấp độ 2 và vẫn dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh làm đẹp, karaoke., vũ trường, casino… Nhiều hoạt động khác được cho phép mở cửa trở lại, trong đó thành phố cho phép mở cửa hàng ăn uống tại chỗ, phòng tập gym, yoga… với các điều kiện phòng, chống dịch cụ thể. Các cửa hàng phải có thiết bị nhận mã QR, người dân phải thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Bà Ngô Thị Kim Yến cho hay, trong ngày 14/10, thành phố ghi nhận 1 ca mắc mới, không ở cộng đồng nhưng có phát sinh F1.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các đơn vị, địa phương cần quản lý chặt người từ các địa phương khác về, lồng ghép xét nghiệm đại diện hộ gia đình, tránh bỏ sót người có nguy cơ cao; cố gắng chỉ đạo triển khai sớm hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Khoảng 25.000 người tiêm mũi 1 vaccine Moderna đã 2 tháng chưa được tiêm mũi 2
Theo Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn còn hơn 54.000 người đến thời gian tiêm mũi 2 vaccine Moderna.
Đầu tháng 10/2021, Bộ Y tế đã phân bổ cho Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 29.000 liều vaccine Pfizer và ngày 8/10, Sở Y tế tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị để tiêm mũi 2 thay thế cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna đến hạn tiêm mũi 2.
Như vậy, đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn khoảng 25.000 người tiêm mũi 1 vaccine Moderna đã 2 tháng mà chưa được tiêm mũi 2.
Qua tìm hiểu được biết, những người được tiêm vaccine Moderna mũi 1 trên chủ yếu nằm trong danh sách tiêm đợt 4 và 5 của tỉnh (thời gian tiêm từ 10/8-15/8). Đây là 2 đợt tiêm vaccine dồn dập, quy mô lớn của tỉnh vào thời điểm đó, sau khi Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh ra thời hạn đến ngày 10/8 nếu đơn vị nào tiêm chủng chậm sẽ điều phối vaccine cho các tỉnh khác và tạm dừng phân bổ cho những đợt tiếp theo.