Thưa ông, dịch COVID-9 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động như thế nào đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội của quốc gia, trong đó có lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đây là lĩnh vực then chốt chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế nên rõ ràng hệ thống GDNN cần có sự đổi mới, thích ứng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực chất là cuộc cách mạng thông minh, áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ về dữ liệu, công nghệ chia sẻ…. như big data, internet vạn vật, kèm theo đó là vật liệu mới và điều khiển. Chính điều này tác động đến cơ cấu nguồn nhân lực và tác động đến yêu cầu kỹ năng và kiến thức với từng ngành nghề; hàm lượng công nghệ cao và hàm lượng công nghệ số trong lĩnh vực kinh tế tăng lên. Điều đó dẫn đến nhiều ngành nghề sẽ mất đi và có nhiều vị trí việc làm con người vốn đang đảm nhận thì nay thay bằng máy móc.
Ngược lại cũng có nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đặc biệt là ngành nghề liên quan đến thiết kế , tự động hóa, xử lý số liệu,… nên yêu cầu nhiều kỹ năng mới. Theo thống kê, những cuộc cách mạng trước đây đã chứng minh, số lượng việc làm sau các cuộc cách mạng này tăng lên dù trong các cuộc cách mạng này, máy móc chiếm vai trò quan trọng.
Với nhận định như vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã nghiên cứu, xác định những lĩnh vực tác động lớn và kỹ năng sẽ bị thay đổi trước mắt và tương lai.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 làm hoạt động kinh tế bị xáo động và dẫn đến giải pháp phòng chống là thực hiện giãn cách xã hội và ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu trước mắt để đối phó với dịch. Do đó, có thể coi đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 nhanh lên. Thực tế, trong lĩnh vực GDNN, việc đào tạo truyền thống chuyển sang đào tạo trực tuyến đang được triển khai và bối cảnh chung đang dần hình thành kinh tế số, xã hội số để đáp ứng nhu cầu thay đổi này.
Do đó, đào tạo lực lượng lao động góp phần phát triển kinh tế đất nước và góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược. Việc đào tạo và đào tạo lại cho người lao động do công nghệ thay đổi, kỹ năng mới xuất hiện cũng đòi hỏi người lao động cập nhật kiến thức. Nếu không, người lao động đứng trước nguy cơ mất việc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng sâu rộng thì nhiều ngành nghề. Ngân hàng thế giới đánh giá, có lĩnh vực bị tác động đến 80% lực lượng lao động như dệt may, da giày…
Trong bối cảnh đó, Tổng cục GDNN triển khai Nghị quyết trung ương và chủ trương của Chính phủ và đang xây dựng và trình giải pháp để xây dựng, hoàn thiện và đổi mới GDNN theo hướng hệ thống GDNN phải mở, linh hoạt, hiện đại, hội nhập và bao trùm. Mọi người trong xã hội, thanh niên đều có cơ hội học tập suốt đời, nâng cao kiến thức kỹ năng, năng lực thực hiện, thích ứng sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Có thể thấy, việc phát triển hệ thống GDNN bao trùm và tạo cơ hội mà tất cả đối tượng yếu thế (người tàn tật, dân tộc…), vùng kinh tế khó như vùng biển, hải đảo khăn đều được quan tâm phát triển kỹ năng này.
Do đó, bối cảnh hiện nay đang là yêu cầu tất yếu của hệ thống GDNN phải đổi mới và thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ và của nền kinh tế và yếu tố bất ngờ của dịch và quá trình hội nhập quốc tế.
Để nắm rõ về thực trạng các cơ sở giáo dục, chúng tôi phối hợp với GIZ – Chương trình đổi mới kỹ năng nghề Việt Nam tổ chức cuộc khảo sát với chủ đề: Coi chuyển đổi số GDNN là giải pháp đội phá và Chính phủ đẩy nhanh chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực. Chúng tôi phát 20.000 phiếu và nhận thấy còn nhiều vấn đề, cần hài hòa để thích ứng.
Chúng tôi khảo sát diện rộng từ cán bộ quản lý cấp Tổng cục, Sở LĐTBXH, Ban Giám hiệu nhà trường và học sinh để xem yếu tố chuyển đổi số trong cơ sở GDNN hiện nay như thế nào? Phiên khảo sát về cả nhận thức: quá trình chuyển đổi số; sự sẵn sàng về hạ tầng của các trường; năng lực của các nhà giáo, cán bộ quản lý và của người học trong chuyển đổi số; thể chế và quyết định hiện nay.
Kết quả sơ bộ về nhận thức cho thấy có nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Một số cán bộ quản lý, nhà giáo coi chuyển đổi số đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin; đơn thuần chuyển bài giảng truyền thống lên hệ thống trực tiếp. Hạ tầng chưa đồng bộ, có trường đầu tư hiện đại nhưng nhiều trường chưa đảm báo kết nối, phần mềm nền tảng còn thiếu.
Nội dung chương trình giảng dạy đã có chuyển đổi tích cực thay đổi theo yêu cầu doanh nghiêp. Nhưng kỹ năng mới, ngành nghề mới chưa được cập nhật thường xuyên. Nhà giáo và học sinh thiếu kiến thức cần thiết, quản trị. Phương pháp đào tạo theo hướng truyền thống vẫn còn nhiều. Trong khi dùng phương pháp khác cần có cách tiếp cận khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ghi nhận nỗ lực chuyển đổi số của nhiều trường để thích ứng và cũng đã mang lại kết quả tuyển sinh toàn ngành đạt 102%, vượt kế hoạch 2%.
Vậy hệ thống GDNN đã chuẩn bị gì để thích ứng với sự thay đổi này, thưa ông?
Hệ thống GDNN xác định liên kết thị trường lao động, sự tham gia của doanh nghiệp, có trách nhiệm và tự nguyện trong đào tạo trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Tổng cục đang xây dựng chiến lược GDNN với các giải pháp từ hoàn thiện cơ chế thể chế, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN và phân tầng GDNN .
Để đào tạo và đào tạo lại cho 45 triệu lao động thì cần có tầng đào tạo đại trà cho người lao động tham gia thị trường lao động và có tầng đạo tạo chất lượng cao để thích ứng chuyển giao công nghệ. Phân tầng chất chất lượng có 4 tầng: Đào tạo và bồi dưỡng nhân lực tầm quốc gia đào tạo nghề đỉnh cao và nghề trong tương lai, chức năng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và mốt số chức năng; Tiếp theo là một số trung tâm, trường đào tạo chức năng vùng, cơ sở đó đào tạo cho vùng đó; Trường chất lượng cao với 80 trường đảm nhận nghề mũi nhọn. Mỗi trường đảm nhận 1 vài nghề khu vực, quốc tế; Tầng thứ 4 là bình thường đại trà.
Giải pháp tiếp theo Tổng cục GDNN thực hiện là tăng cường đảm bảo chất lượng, kiểm soát chất lượng và thông qua vận hành khung trình độ quốc gia về giáo dục nghề nghiệp và mối liên kết dọc , liên kết ngang và xác định chuẩn đầu ra, tín chỉ, tham chiếu nền giáo dục Việt Nam với khu vực.
Bên cạnh đó, hệ thống đội ngũ nhà giáo thường xuyên tiếp cận công nghệ; xây dựng đội ngũ người dạy nghề trong kỹ sư, nghệ nhân được huy động đào tạo.
Chuyển đổi số được coi là giải pháp đột phá nên Tổng cục đẩy nhanh chuyển đổi số vào các khâu để tăng nhanh quy mô đào tạo và hiệu quả dùng ngân sách. Trong đó có sử dụng công nghệ quản trị phù hợp học trực tuyến và công nghệ thực tế ảo.
Vấn đề tiếp theo là đẩy mạnh hướng nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong GDNN để học sinh, người dân chọn nghề phù hợp năng lực cá nhân, khả năng. Quá trình này sẽ cho phép học sinh, sinh viên ra trường có thể đi làm trong các doanh nghiệp hoặc có thể tự mở doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như mở quán sửa xe, chăm sóc sắc đẹp…
Tổng cục đổi mới truyền thông, nâng cao vai trò hình ảnh GDNN, lan tỏa cách làm mới, ý nghĩa xã hội…
Như ông vừa chia sẻ, một trong những vấn đề mấu chốt của GDNN là liên kết với doanh nghiệp. Việc này thực hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
Các trường nghề đào tạo theo hướng cầu, doanh nghiệp và xã hội cần gì thì nhà trường đào tạo theo hướng đó chứ không đào tạo theo cái mà trường có.
Khi đào tạo theo hướng "cầu" có nghĩa là đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới biết được cần công nghệ nào, trong giai đoạn nào và số lượng bao nhiêu? Không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng công nghệ vào tất cả các khâu. Có doanh nghiệp chọn với từng sản phẩm và từng khâu. Doanh nghiệp biết đang cần gì và sẽ đầu tư vào thiết bị, con người.
Cùng với đó, doanh nghiệp có công nghệ phù hợp để đào tạo. Nếu cứ công nghệ mới mà nhà trường đầu tư ngay thì cần kinh phí rất lớn và khó. Do đó, việc liên kết với doanh nghiệp để triển khai đào tạo là hướng đi cần thiết. Trên thực tế, có nhiều mô hình đang triển khai như: Mô hình truyền thống đang làm là dạy lý thuyết và cơ bản thực hành tại nhà trường rồi sau đó phối hợp với doanh nghiệp đào tạo thực tế; mô hình đào tạo tại doanh nghiệp tức là cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình, cùng cử giáo viên dạy và thiết kế chương trình theo hình thức vừa học vừa làm cho lao động tại doanh nghiệp và lao động mới tuyển vào theo hướng tập nghề; Mô hình kết hợp là lao động vừa học vừa làm vừa đến trường (mô hình này là doanh nghiệp cử lao động đến trường học).
Việc liên kết nhà trường và doanh nghiệp cũng đang vướng một số vấn đề khi thực hiện như: Trách nhiệm của doanh nghiệp với phát triển nguồn nhân lực là cần thiết nhưng doanh nghiệp coi đó là trách nhiệm của Nhà nước và không chủ động kết hợp với các trường.
Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhưng chưa đủ mạnh. Ví dụ như doanh nghiệp cử người và sử dụng máy móc cho thực hành, học tập thì việc trừ thuế cho doanh nghiệp ra sao? Do đó, dù đã triển khai việc liên kết đào tạo tại doanh nghiệp nhưng không mặn mà.
Một số quy định liên quan đến quản lý tài sản công nên một số trường có thể phối hợp với doanh nghiệp để sản xuất vừa tạo nguồn thu, thực hành trên máy móc thì không triển khai đúng nghĩa vì là tài sản đầu tư công. Do đó, nhà trường có nhà xưởng nhưng phối hợp kinh doanh với doanh nghiệp vướng mắc rất nhiều.
Tổng cục GDNN nhận thấy vấn đề trên và xác định mối quan hệ nhà trường và doanh nghiệp là hai bên cùng có lợi. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thỏa đáng và doanh nghiệp quan tâm đào tạo nghề.
Chứng ta có cơ chế để tiếng nói doanh nghiệp được bàn và ghi nhận để thực hiện. Luật Lao động ghi rõ cần thành lập Hội đồng kỹ năng ngành và tiến tới sẽ thành lập hội đồng kỹ năng ngành với đại diện của doanh nghiệp lớn tại các ngành và cùng với đại diện của Nhà nước. Hội đồng này có chức năng , nhiệm vụ rõ ràng để cùng Nhà nước họp bàn về kỹ năng ngành nghề thuộc lĩnh vực mà căn cứ vào đó Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư cho nghề và các trường có chương trình hành động cụ thể để phát triển phù hợp.
Kỹ năng nghề được ví là đơn vị tiền tệ và mỗi phân khúc đào tạo có vị trí riêng trong việc cung ứng đào tạo cho thị trường lao động, Tổng cục có định hướng như thế nào để nâng cao nhận thức về giá trị kỹ năng nghề?
Có thể khẳng định bất kỳ lao động nào cũng cần có kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm hoặc sẽ làm. Điều đó mới đảm bảo được người lao động phù hợp với việc làm và được trả công xứng đáng nên một số tổ chức thế giới đánh kỹ năng lao động như đơn vị tiền tệ vì gắn kết với thị trường lao động, việc làm, thị trường kỹ năng và đâu đó quy ra tiền tệ. Làm ở vị trí nào sẽ có mức thu nhập như vậy. Như vậy có sự giao thoa giữa kỹ năng thực tế và bằng cấp. Nhiệm vụ của giáo dục là để phù hợp giữa bằng cấp và năng lực thực hiện của người lao động thực tế càng tốt.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tôn vinh kỹ năng Việt Nam và lấy ngày 4/10 hàng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.
Trên nền tảng tâm lý về khoa cử thì xu thế mới về đào tạo gắn với việc làm cho thấy nhận thức của người dân đã có thay đổi, tất nhiên là sự thay đổi chưa nhanh như kỳ vọng.
Gần đây đang có sự thay đổi trong thanh niên về nghề nghiệp về đam mê, mong muốn. Như có em đam mê học tập, có em đam mê nấu ăn, có em đam mê thời trang… Do đó, nền giáo dục mới sẽ càng làm cho các em thể hiện bản thân và có quyền tự chủ, lựa chọn. Cùng với đó là nhu cầu có việc làm nên các em sẽ chọn con đường nào phù hợp với đam mê và tính tự chủ sau khi rời ghế nhà trường phổ thông. Chính từ việc các em và gia đình thay đổi nhận thức sẽ dẫn tới cách lựa chọn con đường học tập.
Trong vài năm gần đây, phân luồng có tăng lên rõ rệt. Nhiều em nhận thấy sau khi học hết phổ thông, các em không có khả năng hoặc không muốn đi theo con đường hàn lâm. Khoảng 15-18% học sinh vào học trung cấp từ THCS và khoảng 30% học sinh sau PTTH chọn học cao đẳng mà không chọn đại học, dù con đường đại học rất mở. Nhiều người có trình độ cao nhưng vì vị trí việc làm yêu cầu thì quay lại học kỹ năng. Con số này không nhỏ nên tạo đà cho việc tuyển sinh khối GDNN trong thời gian qua tăng lên.
Bên cạnh sự phân luồng theo hướng trên thì Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục tạo phân luồng linh hoạt, linh động và xây dựng cơ chế học tập suốt đời cho các em. Tức là các em vào học GDNN nhưng kết quả học tập được ghi nhận và có thể quay trở lại học tiếp đại học khi có nhu cầu. Điều này, cần có sự liên thông từ hệ thống GDNN sang đại học để các em được tiếp tục học tập và không bị "tắc".
Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiệp đi kèm theo khởi nghiệp, tạo việc làm để khi ra thị trường lao động có việc làm ngay. Học xong hệ thống GDNN có tới 80% ra trường có việc làm đúng ngành và nhiều ngành nghề có việc làm 100%.
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ thiết thực, đồng bộ cho học sinh như hỗ trợ học phí khi vào học trung cấp, cho người yếu thế và học nghề đặc thù, được vay vốn để tiến tới phổ cập nghề cho thanh niên Việt Nam và được nêu trong Luật GDNN.
Để nâng cao kỹ năng nghề thì đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, vậy Tổng cục đã có định hướng nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ này như thế nào?
Tổng cục GDNN xác định chuyển đổi số là đột phá và phát triển đội ngũ giáo viên là quan trọng. Chính giáo viên là những người xây dựng chương trình, giáo án và có phương pháp dạy. Với giáo viên GDNN thì phải có tay nghề thật, tức là có kinh nghiệm sản xuất để biết doanh nghiệp cần gì, tác phong làm việc công nghiệp ra sao…
Để duy trì đội ngũ giáo viên giỏi, quan trọng là thu nhập tương xứng bởi nếu không sẽ sẽ bị doanh nghiệp hút nhân lực. Đồng thời, đội ngũ này phải cập nhật thường xuyên kỹ năng nghề mới. Trong 86.000 giáo viên hiện nay đạt chuẩn về trình độ sư phạm, mới có 70% đạt được tiêu chuẩn kỹ năng dạy thực hành, kỹ thuật. Do đó, giải pháp của Tổng cục đưa ra là cử học trò đi thực tế tại doanh nghiệp và thầy cũng thực tập. Cùng với đó là mời đội ngũ kỹ sư tay nghề cao làm nhà giáo vì đây là đội ngũ có tay nghề tiến hành bổ túc sư phạm.
Còn vấn đề lương cũng phải hấp dẫn mới giữ chân được thầy giáo. Nhưng quan trọng nhất là trường phải tiến hành tự chủ, bởi có vậy sẽ thu hút nhiều học sinh, từ đó có nguồn thu và trả lương cao hơn. Thực tế, lương giáo viên các trường tự chủ khá cao.
Xin cảm ơn ông!