Tổng hợp COVID-19 ngày 27/10: Số ca mắc mới tăng trở lại; TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em

Ngày 27/10, Việt Nam ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng so với ngày trước đó. TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em và được nhiều phụ huynh đón nhận. Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca F0, thêm ổ dịch tại thôn Bạch Trữ, Mê Linh.

Ngày 27/10, Việt Nam ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; tăng so với ngày trước đó

Tính từ 17 giờ ngày 26/10 đến 17 giờ ngày 27/10, Việt Nam ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; tăng 812 ca so với ngày trước đó.

Chú thích ảnh
Sáng ngày 27/10, 1.500 học sinh huyện Củ Chi được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Trong số các ca nhiễm mới có 7 ca nhập cảnh và 4.404 ca ghi nhận trong nước (tăng 812 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 2.052 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: TP Hồ Chí Minh (1.140), Bình Dương (521), Đồng Nai (499), Đắk Lắk (254), Bạc Liêu (242), An Giang (221), Tây Ninh (202), Kiên Giang (150), Tiền Giang (127), Sóc Trăng (98), Cần Thơ (98), Bình Thuận (97), Quảng Nam (92), Trà Vinh (82), Long An (81), Đồng Tháp (49), Thanh Hóa (45), Khánh Hòa (44), Hậu Giang (42), Gia Lai (32), Nam Định (28), Hà Nội (26), Quảng Ngãi (21), Nghệ An (19), Bình Phước (19), Hà Giang (19), Phú Thọ (18), Vĩnh Long (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (17), Bắc Giang (14), Bến Tre (14), Ninh Thuận (14), Thừa Thiên Huế (14), Hà Nam (12), Quảng Trị (6), Đắk Nông (6), Kon Tum (6), Bắc Ninh (4), Đà Nẵng (3), Bình Định (3), Hà Tĩnh (1), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Hải Phòng (1), Quảng Ninh (1), Lào Cai (1), Phú Yên (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: An Giang (giảm 69 ca), Nghệ An (giảm 40 ca), Cà Mau (giảm 32 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (tăng 357 ca), Bạc Liêu (tăng 136 ca), Sóc Trăng (tăng 98 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.800 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 900.585 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.144 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 895.793 ca, trong đó có 809.497 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP. Hồ Chí Minh (428.013 ca), Bình Dương (230.406 ca), Đồng Nai (62.970 ca), Long An (34.448 ca), Tiền Giang (15.985 ca).

Trong ngày 27/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 2.024 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 812.314 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.718 ca.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 54 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (32), Bình Dương (8 ), Long An (4), Bạc Liêu (3), Đồng Nai (2), Tây Ninh (1), Thanh Hóa (1), Kiên Giang (1), An Giang (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 63 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.856 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Sáng 27/10, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 1.500 học sinh trên địa bàn huyện Củ Chi. Đây là địa phương đầu tiên được Thành phố chọn thí điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.

Chú thích ảnh
Các em học sinh đến điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trường Tiểu học thị trấn Củ Chi sáng 27/10.

Từ sáng sớm, rất đông phụ huynh và học sinh trên địa bàn huyện Củ Chi phấn khởi đi đến điểm tiêm tại trường Tiểu học thị trấn Củ Chi. Trước khi tiêm vaccine, học sinh được thăm khám sàng lọc rất kỹ như về tình trạng bệnh nền, dị ứng tiêm. Học sinh được bố trí ngồi giãn cách và được phân luồng một chiều. Loại vaccine được tiêm là vaccine Comirnaty (Pfizer).

Ngồi đợi tại khu vực sau tiêm vaccine, em Phương Trinh, học sinh lớp 12A2 trường THPT Củ Chi vui mừng nói: "Em rất hồi hộp vì là một trong những học sinh đầu tiên của thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19. Năm nay, em học lớp 12. Vì dịch bệnh nên mọi học sinh phải học online, vì thế việc tiếp thu bài cũng nhiều hạn chế. Hôm nay, em rất vui vì đã được tiêm vaccine và chúng em sắp được đến trường đi học".

Tương tự em Trường Minh, lớp 11A2 trường THPT Củ Chi cũng tỏ ra rất phấn khởi khi được đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Học sinh Trường Minh cho biết, suốt mấy tháng qua em chỉ ở trong nhà và học online nên được tiêm vaccine phòng COVID-19 em rất mừng.

Để đảm bảo an toàn tiêm cho trẻ, huyện cũng đã có phương án đầy đủ như xử lý các vấn đề về y tế, sơ cấp cứu ban đầu, tổ chức các xe cấp cứu để vận chuyển kịp thời; đồng thời chia thời gian, khung giờ đến điểm tiêm để đảm bảo không tập trung đông người và an toàn phòng dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, đối tượng hôm nay tiêm rất đặc biệt. Đây là các em học sinh tương lai của đất nước. Do đó, khi tiêm vaccine cho các em phải hết sức cẩn thận, chăm lo cho các em từ vấn đề về tâm lý, chuẩn bị sức khỏe trước và sau khi tiêm. Các điểm tiêm được dặn dò rất kĩ lưỡng vì TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thí điểm đầu tiên trước khi cả nước đồng loạt triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ dưới 18 tuổi vào tháng 11 sắp tới. TP Hồ Chí Minh sẽ là nơi để đánh giá tổ chức tiêm như thế nào là tốt cho các cháu với tiêu chí để các em có sự thoải mái, yên tâm, phụ huynh tin tưởng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, Bộ Y tế đã lựa chọn vaccine phòng COVID-19 Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất để tiêm cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại nước ta. Đây là vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Trong khi đó, chiều 27/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản về việc mở cửa hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; trong đó, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ kể từ ngày 28/10 nhưng không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn tại quán.

Chú thích ảnh
Từ ngày 28/10, TP Hồ Chí Minh cho phép các hàng quán ăn uống được phục vụ tại chỗ. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo đó, thời gian hoạt động kết thúc trước 21 giờ hàng ngày, công suất hoạt động tối đa 50% và không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn tại quán ăn (trừ hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch).

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh giao UBND Quận 7 và UBND thành phố Thủ Đức xem xét, quyết định cụ thể địa bàn thuộc phạm vi quản lý được thực hiện thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 15/11. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Chủ tịch UBND Quận 7 và thành phố Thủ Đức tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh làm cơ sở để tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.

Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca F0, thêm ổ dịch tại thôn Bạch Trữ, Mê Linh

Ngày 27/10, Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 10 ca cộng đồng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 26/10 đến 18 giờ ngày 27/10, Hà Nội ghi nhận 28 ca dương tính mới với SARS-CoV-2 trong đó: cộng đồng (10), khu cách ly (17), khu phong tỏa (1).

Các ca nhiễm mới phân bố tại các quận, huyện: Mê Linh (7 ca), Quốc Oai (5 ca), Hoàng Mai (3 ca), Hoàn Kiếm (3 ca), Hà Đông (3 ca), Đống Đa (2 ca), Hai Bà Trưng (2 ca), Gia Lâm (1 ca), Đan Phượng (1 ca), Nam Từ Liêm (1 ca). Cụ thể:

Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng có 7 ca gồm:

Trường hợp N.D.T, nam, sinh năm 1965; ở Tiến Thắng, Mê Linh. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với 1 trường hợp test nhanh dương tính (người từ Hà Giang về đám hiếu tại Mê Linh), ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trường hợp N.C.L, nam, sinh năm 1959, ở Tiến Thắng, Mê Linh. Bệnh nhân có tiếp xúc với 1 trường hợp test nhanh dương tính (người từ Hà Giang về đám hiếu tại Mê Linh), ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trường hợp N.D.C, nam, sinh năm 1991; ở Tiến Thắng, Mê Linh. Bệnh nhân có tiếp xúc với 1 trường hợp test nhanh dương tính (người từ Hà Giang về đám hiếu tại Mê Linh), ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trường hợp N.C.A, nam, sinh năm 1965; ở Tiến Thắng, Mê Linh. Ngày 23- 24/10 bệnh nhân đi đám ma tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Trường hợp N.C.T, nam, sinh năm 1954; ở Tiến Thắng, Mê Linh. Ngày 23-24/10 bệnh nhân đi đám ma tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Trường hợp Đ.V.H, nam, sinh năm 1964; ở Tiến Thắng, Mê Linh. Bệnh nhân sống tại Hà Giang, ngày 23/10 về Hà Nội. Ngày 23-24/10 bệnh nhân đi đám ma tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Trường hợp N.C.C, nam, sinh năm 1942; ở Tiến Thắng, Mê Linh. Ngày 23-24/10 bệnh nhân đi đám ma tại thôn Bạch Trữ. Ngày 26/10 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Có 1 ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt là Đ.M.H, Nam, sinh năm 2008; ở Tân Hội, Đan Phượng. Ngày 25/10 bệnh nhân vào điều trị tại trung tâm phục hồi chức năng Việt Hàn, ngày 26/10 xuất hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Các ca còn lại, có 7 ca thuộc chùm liên quan ổ dịch Sài Sơn, Thị trấn Quốc Oai gồm các F1, người sống trong khu vực phong toả.

Có 4 ca thuộc chùm liên quan Bệnh viện Việt Đức, đã được cách ly.

Có 4 ca liên quan đến người về các tỉnh có dịch.

Có 3 ca thuộc chùm liên quan ổ dịch 67 Giáp Bát.

Có 2 ca thuộc chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu – Ô Chợ Dừa.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.231 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.658 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.573 ca.

Thành phố Nam Định áp dụng biện pháp cấp bách ngăn dịch COVID-19 lây lan

Chiều 27/10, thông tin từ UBND tỉnh Nam Định cho biết, trước diễn biến phức tạp, của dịch COVID-19, thành phố Nam Định đã áp dụng các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chú thích ảnh
 Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại đường Lê Tiến Phục và đường Sơn Nam, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định sau khi tại đây ghi nhận các ca mắc mới, ngày 26/10. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Theo đó, từ chiều 27/10, tất cả các cấp học phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm ngoại ngữ tại thành phố Nam Định tạm dừng học trực tiếp, chuyển sang hình thức học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Trẻ tại các trường mầm non công lập, tư thục, nhóm trẻ tư thục tạm thời cho nghỉ học từ sáng 27/10.

Sở Y tế tỉnh Nam Định phối hợp với thành phố Nam Định huy động lực lượng tổ chức xét nghiệm tầm soát toàn bộ người dân của 5 phường: Lộc Hạ, Thống Nhất, Hạ Long, Lộc Vượng và Nguyễn Du; đồng thời mở rộng xét nghiệm tầm soát tại các phường, xã còn lại của thành phố.

Từ 18 giờ ngày 27/10, thành phố Nam Định tiếp tục tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh cà phê, giải khát cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại. Các nhà hàng ăn uống chỉ được phục tối đa 20 khách trong cùng một thời điểm, đảm bảo việc giãn cách và đóng cửa trước 22 giờ hàng ngày.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có mã QR Code và yêu cầu tất cả mọi người khi ra, vào phải thực hiện quét mã QR Code. UBND thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm và yêu cầu dừng hoạt động các đơn vị, cơ sở không có mã QR Code và vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, người dân thành phố Nam Định tự giác chấp hành quy định phòng dịch, thực hiện nghiêm 5K, nhất là đeo khẩu trang, không tập trung đông người; hạn chế ra khỏi nhà, trừ trường hợp thật sự cần thiết.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, tính từ ngày 25/10 (thời điểm ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên tại thành phố Nam Định) đến 15 giờ ngày 27/10, ổ dịch tại thành phố này đã ghi nhận 30 ca mắc; trong đó, một số trường hợp có lịch trình di chuyển, tiếp xúc phức tạp.

Đà Nẵng dự kiến cho toàn bộ học sinh đi học trở lại vào giữa tháng 11

Chiều 27/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch.

Liên quan đến việc cho học sinh, sinh viên đi học trực tiếp trở lại, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay, trước đây, thành phố dự kiến cho toàn bộ học sinh đi học vào ngày 8/11. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở các địa phương và nguy cơ bùng phát dịch cao, dự kiến thành phố sẽ cho tất cả các cấp đi học trực tiếp từ giữa tháng 11/2021.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tập huấn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trung học Phổ thông vào ngày 29/10 và tổ chức tiêm từ ngày 1/11. Trong quá trình triển khai, các sở, ngành, địa phương và các trường học liên quan cần phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác này.

Lai Châu: Xử phạt nhiều trường hợp khai báo không trung thực khi về từ vùng dịch

Ngày 27/10, UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 3 người, với tổng số tiền 22,5 triệu đồng, do khai báo không trung thực lịch trình di chuyển khi đi từ vùng dịch về địa phương.

Đó là Quàng Thị Hỏi (bản Huổi Pha, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ) làm công nhân tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh; Lý Thị Ne và Lò Văn Vạng, cùng ở bản Pa Khóa, xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ, làm công nhân tại ấp Tân Minh, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Quàng Thị Hỏi, Lý Thị Ne và Lò Văn Vạng đã có hành vi trốn khai báo y tế và khai báo không trung thực lịch trình di chuyển tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 để về địa phương. Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 14, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, ba người trên bị phạt 7,5 triệu đồng/người, buộc phải cách ly y tế tập trung theo quy định.

Trước đó, ngày 26/10, UBND huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng có quyết định xử phạt 2 trường hợp khai báo không trung thực lịch trình di chuyển tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19 để về địa phương, với tổng số tiền 15 triệu đồng.

Hai người bị xử phạt là Đinh Thị Lả và Lò Văn Ngân (cùng ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên), vào Bình Dương làm thuê từ tháng 3/2021. Việc xử phạt được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, hai người vi phạm cũng phải cách ly y tế tập trung theo quy định.

Bắc Ninh: Tuyên phạt đối tượng làm lây lan dịch bệnh 20 tháng tù giam

Sáng 27/10, Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1987, thôn Trường Xuân, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Phú Thọ) 20 tháng tù giam về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Ninh, từ ngày 17/5/2021, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung và địa bàn thành phố Bắc Ninh nói riêng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với toàn thành phố Bắc Ninh từ ngày 18/5/20021. Đặc biệt, trước ngày 11/6/2021 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh đã có một số ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng và UBND thành phố Bắc Ninh đã quyết định cách ly y tế đối với một số cụm dân cư thuộc khu 4, khu 10, phường Đại Phúc.

Tuy nhiên, trong thời gian này, Phương không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh. Do có tình cảm với anh N.V.Q (sinh năm 1990, trú tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh), ngày 28/5/2021, Phương đã bắt xe từ thành phố Hà Nội đến nhà Q tại phường Đại Phúc ở. Từ ngày 10/6/2021 đến khoảng 2 giờ ngày 12/6/2021, Nguyễn Thị Phương mặc dù có biểu hiện ho, sốt, thuộc trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 (do có tiếp xúc với N.V.Q đã mắc bệnh) nhưng vẫn di chuyển từ phường Đại Phúc đang có dịch sang khu Hòa Đình, phường Võ Cường - nơi chưa có dịch. Đồng thời, khi khai báo y tế, Phương khai báo không đầy đủ về lịch trình, quá trình tiếp xúc với anh Tr.V.L (sinh năm 1971, lúc đó đang ở tại khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) và anh V. V.Th (sinh năm 1977, lúc đó đang ở tại phường Võ Cường) khiến hai anh bị mắc COVID-19.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 26/10: Ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em; thêm 3.595 ca nhiễm mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 26/10: Ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em; thêm 3.595 ca nhiễm mới

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 trong ngày 26/10 thu hút sự quan tâm của dư luận là vấn đề ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em trong thời gian nghỉ do dịch kéo dài và Việt Nam ghi nhận 3.595 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó, tỉnh Đắk Lắk có số ca tăng cao nhất trong ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN