Ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em nghỉ học do giãn cách dài ngày
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc tiêm vaccine cho trẻ dự kiến tiến hành từ đầu tháng 11/2021; trong đó ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em nghỉ học do giãn cách dài ngày.
Theo đó, trẻ 16-17 tuổi sẽ được tiêm trước để đánh giá rút kinh nghiệm và phổ biến cho các tỉnh, thành phố; sau đó hạ dần độ tuổi tiêm của trẻ; ưu tiên cho trẻ em phải nghỉ học dài này ở những nơi đã giãn cách bắt buộc thời gian vừa qua. "Vaccine tiêm cho trẻ em tại Việt Nam là Pfizer - đã được Bộ Y tế phê duyệt. Tổ chức chiến dịch tiêm tương tự như đã làm trong thời gian qua. Cụ thể, tiêm lưu động, tiêm tại trạm y tế xã, tiêm tại trường", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, sau lứa tuổi 16 sẽ tiêm cho trẻ 15 tuổi. Bộ Y tế sẽ tập huấn cho nhân viên y tế trong những ngày tới; đồng thời lưu ý việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em. Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả các tỉnh, thành phố về tiêm chủng cho trẻ em trong ngày 29/10/2021, giao cho các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Dự kiến trong hai ngày 30-31/10, Quảng Ninh bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Việc tiêm chủng lần này được triển khai trên diện rộng, tiêm đồng loạt tại tất cả các địa phương theo khu vực trên địa bàn. Đây là động thái tích cực nhằm thực hiện mục tiêu trong tháng 10-11/2021 là toàn tỉnh hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng trẻ em đảm bảo bao phủ miễn dịch cộng đồng cho tất cả nhóm đối tượng, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" và giữ vững "vùng xanh" an toàn. Cụ thể, dự kiến, trên 95% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Việt Nam ghi nhận 3.595 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Đắk Lắk có số ca tăng cao nhất trong ngày
Tính từ 17 giờ ngày 25/10 đến 17 giờ ngày 26/10, Việt Nam ghi nhận 3.595 ca nhiễm mới; Đắk Lắk, An Giang, Trà Vinh có số ca tăng cao nhất so với ngày trước đó.
Trong số các ca nhiễm mới có 3 ca nhập cảnh và 3.592 ca ghi nhận trong nước (giảm 28 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 1.431 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 186 ca), Sóc Trăng (giảm 87 ca), Bạc Liêu (giảm 50 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (tăng 129 ca), An Giang (tăng 58 ca), Trà Vinh (tăng 48 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.690 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 896.174 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.099 ca nhiễm) Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 891.389 ca, trong đó có 807.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP Hồ Chí Minh (426.873), Bình Dương (229.885), Đồng Nai (62.471), Long An (34.367), Tiền Giang (15.858).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 26/10 là 2.989 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 810.290 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.722 ca. Trong ngày cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (27), Bình Dương (14), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), Long An (3), Bạc Liêu (3), Tây Ninh (3), An Giang (3), Ninh Thuận (1), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 65 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.802 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng TP Hà Nội có thêm 17 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Các ca nhiễm mới phân bố tại các quận, huyện: Quốc Oai (10 ca), Ba Đình (1 ca), Hoàng Mai (6 ca), Ba Vì (1 ca). Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.203 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.648 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.555 ca.