Đẩy nhanh chiến lược vaccine và coi trọng đảm bảo kinh tế vĩ mô
Trước tình hình nhiều quốc gia, khu vực mở cửa nền kinh tế vì bảo đảm được vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam cần coi trọng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, sớm có kế hoạch cho tăng trưởng và giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh chiến lược vaccine với lộ trình, kế hoạch cụ thể để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tạo ra cơ sở quan trọng để bắt nhịp với nền kinh tế thế giới.
Đây là nội dung được Chủ tịch Quốc hội nêu ra trong buổi làm việc với Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, một số cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhằm đánh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, các đối tượng chịu ảnh hưởng theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua.
Nâng cao mức độ cảnh giác, chủ động kiểm soát dịch COVID-19
Số ca mắc COVID -19 ở nước ta đã vượt mốc 10.000 trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện đợt dịch thứ 4. Hình thái lây nhiễm nổi trội nhất trong đợt dịch này là lây nhiễm trong khu công nghiệp, từ khu công nghiệp lây nhiễm ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại khu công nghiệp với số ca mắc tăng nhanh.
Dù vậy, toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta đã bình tĩnh, nhanh chóng vào cuộc dập dịch, chủ động các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bằng nhiều biện pháp hữu hiệu. Qua giải trình tự gene virus ở các bệnh nhân cho thấy có 2 biến chủng là biến chủng được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và ở Anh. Trong đó chủng được phát hiện ở Ấn Độ là phổ biến nhất.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Nếu như ở đợt dịch thứ 3, Việt Nam phải đối mặt với biến thể mới của SARS-CoV-2 lần đầu phát hiện ở Anh với tốc độ lây lan hơn 70%, thì lần thứ 4 này, biến thể của Ấn Độ còn khó khăn, thách thức hơn rất nhiều.
Theo thống kê mà Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh chia sẻ: Ngày 5/5, nước ta ghi nhận bệnh nhân thứ 3.000 từ Ba Lan về nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là thời điểm mà Bắc Giang và Bắc Ninh là tâm dịch của đợt dịch thứ 4 với các ca mắc đa phần là công nhân trong các khu công nghiệp - nơi tập trung hàng chục ngàn người cùng lao động sản xuất. Vào ngày 16/5, tức là chỉ sau 11 ngày, số ca ghi nhận đã lên mốc 4.000; tiếp đó lên mốc 5.000 chỉ sau 6 ngày…
Ngày 8/6, nước ta ghi nhận ca mắc thứ 9.000 tại Bắc Giang và ngày 12/6 ghi nhận ca thứ 10.000 chỉ sau 4 ngày. Những con số nêu trên là minh chứng cho thấy biến chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ có chu kỳ nhân lên rất nhanh chóng, số lượng ca mắc cũng sẽ tăng rất nhanh nếu không có biện pháp kịp thời. Cách ứng phó nhanh nhất chính là khoanh vùng, cách ly, nhanh chóng truy vết, thần tốc lấy mẫu xét nghiệm để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch.
Ngành y tế đã nhanh chóng xác định nhiệm vụ trọng tâm, huy động lực lượng nhanh chóng chi viện cho Bắc Ninh, Bắc Giang để lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc” trên diện rộng, nhanh chóng thiết lập các cơ sở điều trị, thu dung lượng lớn bệnh nhân đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cần thiết nhất, tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân, tăng cường cơ sở vật chất để đủ năng lực thực hiện 4 tại chỗ... Đây cũng chính là cách thức mà nước ta chuyển từ ứng phó sang chủ động tấn công dịch COVID-19, nhanh chóng ổn định tình hình.
“Điểm nóng” Bắc Ninh – Bắc Giang đã hạ nhiệt
Nhờ nỗ lực thực hiện các biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch với sự chung tay góp sức của các lực lượng chi viện, cho đến nay, sức nóng tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đã dần hạ nhiệt. Từ 0 giờ ngày 11/6, Bắc Ninh điều chỉnh áp dụng biện pháp cách ly xã hội huyện Yên Phong từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15; đối với huyện Lương Tài, huyện Tiên Du điều chỉnh thực hiện giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 19.
Huyện Thuận Thành sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện Chỉ thị 16 sang thực hiện Chỉ thị 19 đối với 14 thôn, khu phố thuộc 5 xã, thị trấn với dân số 7.541 người… Trên cơ sở nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tại cộng đồng và trong các khu công nghiệp, các chuyên gia kiến nghị với tỉnh Bắc Ninh các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn tiếp theo.
Đó là triển khai xét nghiệm diện rộng cho người dân tại một số xã, phường, thị trấn của thành phố Bắc Ninh, các huyện Thuận Thành, Quế Võ và Tiên Du theo kế hoạch xét nghiệm đã được phê duyệt; bảo đảm hoạt động lấy mẫu xét nghiệm F1 trong các khu cách ly tập trung theo đúng hướng dẫn, quy trình đã ban hành. Tại các địa phương khác, triển khai lấy mẫu theo hướng dẫn ưu tiên chọn mẫu xét nghiệm tại cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá: Những khuyến cáo của đoàn về phòng, chống dịch trên địa bàn đã được tỉnh Bắc Giang tiếp thu và triển khai quyết liệt. Bắc Giang có rất nhiều điểm mới, do sáng tạo của tỉnh và sự hỗ trợ của Bộ phận thường trực đặc biệt. Qua đó, chúng ta có thêm nhiều bài học từ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, nhiều vấn đề nảy sinh đã được giải quyết ổn thỏa, phù hợp tình hình thực tiễn...
Hy vọng trong thời gian tới, Bắc Giang nhanh chóng dập dịch như mục tiêu đề ra là sau 7-14 ngày kiểm soát hoàn toàn dịch trên toàn tỉnh để toàn dân có thể hoạt động trở lại và đáp ứng tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục giảm quy định giãn cách tại các huyện trên toàn tỉnh từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, nhưng riêng với huyện Việt Yên vẫn là “điểm nóng” nên cố gắng duy trì hiện trạng tại huyện thêm 2-3 tuần để an toàn cộng đồng, an toàn sản xuất, an toàn của người dân trên toàn tỉnh. Đến hiện tại, Bắc Giang đã qua giai đoạn khó nhất, vất vả nhất trong công tác phòng, chống dịch.
Công việc tiếp theo là giữ vững đường đi nước bước để hoàn thành công tác dập dịch. Bắc Giang quyết định sẽ mở cuộc tổng tiến công, phấn đấu hết ngày 21/6 cơ bản ổn định tình hình dịch, không còn F0 hoặc chỉ lác đác 1-2 ca…
Vaccine - vũ khí hữu hiệu đẩy lùi dịch bệnh
Vaccine hiện đang được xem là "vũ khí" hữu hiệu nhất để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19. Do đó, mục tiêu đề ra của Việt Nam lúc này là phải có được vaccine càng sớm càng tốt, tiêm an toàn cho người dân nhiều nhất có thể, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.
Trong các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc, hiệu quả hơn nữa trên "mặt trận vaccine phòng COVID-19". Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
Tính đến 16 giờ ngày 12/6, nước ta đã thực hiện tiêm vaccine 3 đợt tại các tỉnh, thành phố hơn 1,45 triệu liều. Trong đó, số đã được tiêm đủ 2 mũi là 54.385 người. Tại 2 điểm “nóng” Bắc Ninh - Bắc Giang cũng đã thực hiện đợt tiêm chủng thần tốc nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh. Cụ thể, trong đợt tiêm chủng ở Bắc Giang diễn ra từ ngày 1 - 10/6, đã có 150.000 liều vaccine được tiêm cho công nhân các khu công nghiệp và người dân ở thành phố Bắc Giang.
Hiện tình hình dịch tại Bắc Giang đã cơ bản được khống chế, chủ yếu chỉ phát sinh trong khu cách ly và phong tỏa, không có ca mới ngoài cộng đồng. Ngày 10/6 là ngày cuối cùng trong kế hoạch thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp tập trung ở Bắc Ninh.
Với 150.000 liều được tiêm, trong đó 90.000 liều dành cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp đã cho thấy những nỗ lực tích cực của tỉnh trong đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, duy trì sự phát triển an toàn, ổn định trên địa bàn. Trước mong muốn sớm có vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho công nhân, người lao động của các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là các nguồn vaccine không cam kết tiến độ giao.
Khó nhất là làm sao để có vaccine sớm nhất; cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động có nguy cơ cao; tháng 8/2021 tiêm xong toàn bộ cho công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định Bộ Y tế phấn đấu có đủ 150 triệu liều và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine để có thể đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn cần lượng lớn vaccine để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân trong những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có phương án cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước. Thủ tướng khẳng định, việc sản xuất được vaccine trong nước vừa góp phần vào phát triển công nghiệp dược của Việt Nam vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Điều đáng mừng là Nano Covax - vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 3 nhằm mục tiêu đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng, với việc thực hiện liều tiêm duy nhất 25mcg. Hy vọng vào cuối quý 3/2021, Việt Nam sẽ có lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao mức độ cảnh báo, không được chủ quan, lơ là, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K; xét nghiệm sàng lọc chủ động cho các đối tượng có nguy cơ.
Các địa phương có khu công nghiệp đảm bảo an toàn cao nhất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức lại sản xuất qua việc phân ca, giãn cách; yêu cầu thực hiện xét nghiệm tối thiểu 2 lần với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tổ chức sản xuất, kinh doanh và xét nghiệm nhanh hàng tuần với công nhân, người lao động.
Tại cộng đồng, các lực lượng tiếp tục truy vết thần tốc; thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp F1 và lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng tại khu vực nguy cơ, áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp…
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khoanh vùng cắt đứt chuỗi lây nhiễm
Trưa 13/6, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi phát hiện 1 trường hợp nhân viên phòng công nghệ thông tin được sàng lọc qua khai báo y tế có triệu chứng nghi ngờ và làm xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 11/6, bệnh viện đã khẩn trương triển khai các hoạt động sàng lọc truy vết thần tốc và lên phương án cách ly, lấy mẫu cho tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện, ưu tiên khẩn cho các trường hợp có liên quan với ca bệnh đầu tiên.
Đến sáng 13/6 bệnh viện đã hoàn thành xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên, kết quả có 834 trường hợp âm tính và phát hiện 53 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tập trung tại các phòng ban khối hậu cần của bệnh viện, bao gồm nhân viên phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và nhân viên các phòng chức năng khác như tài chính kế toán, kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược...
Đồng thời, bệnh viện cũng đã lấy mẫu tất các 88 bệnh nhân ở tại các khoa nặng như uốn ván, viêm não, HIV/AIDS, bệnh gan mạn. Tất cả xét nghiệm SARS-CoV-2 này đều âm tính. Trước đó 3 ngày, trong kế hoạch làm xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện đều có kết quả âm tính. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh điều tra dịch tễ và nhận định nhiều khả năng chùm lây nhiễm trong bệnh viện bắt nguồn từ khối hậu cần của bệnh viện, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên quản trị.
Tất cả 53 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 hiện đang được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A-D, trong đó 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ 2 liều. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính (F1), bệnh viện đã sử dụng các dãy nhà làm nơi cách ly (đây là các khoa đã chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị COVID-19 theo chỉ đạo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh).
Bệnh viện đang tiếp tục rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong thời gian sớm nhất. Song song đó, tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh xử lý các trường hợp F1, F2 tại địa phương và tăng cường khử khuẩn bề mặt, đồ dùng cá nhân trong môi trường bệnh viện.
Trong những ngày làm việc tới, bệnh viện sẽ bố trí các vị trí việc làm phù hợp với thực tế, bảo đảm vừa duy trì hoạt động điều trị chăm sóc bệnh nhân, vừa an toàn phòng, chống dịch. Ngoài ra, Bệnh viện tiếp tục phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các ca dương tính sau khi đã tiêm chủng vaccine nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine COVID-19.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang lưu trị cho 94 trường hợp COVID-19 (bao gồm 53 nhân viên y tế của bệnh viện), trong số đó có 35 trường hợp nguy kịch đã hiện hữu từ các ngày trước với 2 ca phải can thiệp ECMO và 17 ca cần hỗ trợ hô hấp.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận 4.851 tỷ đồng
Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 tính đến 17 giờ ngày 13/6, quỹ đã tiếp nhận 4.851 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi); tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 291.818. Theo Bộ Tài chính, để tiêm phòng COVID-19 cho 75 triệu dân, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine với tổng kinh phí là 25.200 tỷ đồng.
“Bộ Tài chính hiện bố trí được nguồn ngân sách hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trước mắt hơn 11.000 tỷ đồng, cộng thêm nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đến nay nguồn lực đã có tương đối. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai mua và tiêm vaccine cho toàn dân”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Hiện nay, ngoài tiếp nhận đóng góp bằng tiền qua tổng đài 1408, Ban Quản lý Quỹ vaccine đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lập Cổng thông tin điện tử tiếp nhận tiền ủng hộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể, cá nhân ủng hộ quỹ, Ban Quản lý Quỹ vaccine tiếp tục bổ sung thêm 3 tài khoản nhận tiền tại 3 ngân hàng. Như vậy, cho đến thời điểm này có tất cả 15 tài khoản nhận tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.