Phối hợp liên ngành
Toàn thành phố hiện có hơn 1.600 bếp ăn tập thể, hơn 300 cơ sở nhận suất ăn sẵn, gần 900 căng - tin phục vụ học sinh trong các trường. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua Ban và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp triển khai Kế hoạch liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó, có cả vai trò của UBND các quận, huyện.
Kế hoạch tập trung tập huấn tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm, hướng dẫn triển khai quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm như bố trí bếp ăn, quy trình nhận và xử lý thực phẩm, quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm; đồng thời, tăng cường công tác giám sát hậu kiểm, thanh tra xử lý vi phạm.
Cùng với đó, cải thiện nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, chất lượng. Cụ thể, thực phẩm phải được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố hoặc cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO, VietGAP, GlobalGAP, với 6 quận đang thực hiện thí điểm, gồm quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh; hướng tới sẽ triển khai việc nhận thực phẩm đạt chuẩn cho các quận, huyện còn lại.
Riêng với các trường học sử dụng suất ăn sẵn, cùng với việc phải đảm bảo các quy định chung còn phải đảm bảo tuân thủ quy trình vận chuyển thức ăn đến trường an toàn. Xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không được quá 2 giờ.
Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục chỉ lấy nguồn thực phẩm từ các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến tại các bếp ăn, căng - tin, suất ăn công nghiệp...
Trong những trường hợp cần thiết, Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra đột xuất các trường học có những vấn đề cần chấn chỉnh, nhắc nhở công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ kiểm soát trong trường học, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cổng trường cũng được nhiều phụ huynh quan tâm.
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực gần cổng trường Tiểu học Phước Thạnh (Quận 9), vào mỗi buổi sáng trước giờ vào lớp hoặc buổi chiều tan trường, những xe hàng rong từ cá viên chiên, bánh mì, trà sữa… xếp hàng phục vụ học sinh. Khu vực gần cổng của nhiều trường khác cũng tương tự. Chưa kể đến việc mất vệ sinh do khói bụi gây ra, một số vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh mua thức ăn ngoài đường trong thời gian gần đây gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Nhung, có con đang học ở một trường tiểu học tại Quận 2 chia sẻ, hàng ngày đưa con đi học thấy tại các cổng trường bán rất nhiều loại thức ăn. Đôi khi chị vẫn phải mua cho con do không có nhiều thời gian chuẩn bị bữa sáng hoặc để giải quyết “cơn đói” của con sau giờ học để đến lớp học thêm ngay sau đó. Tuy nhiên, chị cũng không khỏi lo lắng khi khó có thế đánh giá được chất lượng cũng như sự an toàn của thực phẩm này.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết việc quản lý an toàn thực phẩm hàng rong xung quanh trường học như các cơ sở thức ăn đường phố. Trong đó, trách nhiệm chính trên địa bàn thuộc về chính quyền địa phương. Thức ăn đường phố phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, điều kiện vệ sinh và người kinh doanh.
Thời gian qua, Ban cùng chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong quản lý thức ăn đường phố nhưng số lượng cơ sở kinh doanh quá lớn lại thường xuyên thay đổi, ý thức người kinh doanh chưa cao nên việc quản lý cần có sự chung tay của cộng đồng. Đặc biệt, các phụ huynh cần hướng dẫn con em lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn.
Chung tay của phụ huynh
Phát huy vai trò của phụ huynh trong việc tham gia các hoạt động của nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chủ trương khuyến khích các trường học phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng giám sát các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp, căng - tin các trường học.
Theo thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh (Quận 3), quận là địa phương thực hiện thí điểm sử dụng thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố. Vì vậy đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú phải nằm danh sách chuỗi này hoặc có chứng nhận an toàn thực phẩm. Để phụ huynh yên tâm, nhà trường khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát, hàng ngày phụ huynh có thể đến để kiểm tra thức ăn cùng nhà trường.
Chia sẻ về vai trò của phụ huynh trong giám sát, kiểm soát thực phẩm an toàn vào trường học, chị Hoàng Kim Tuyết, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh trường Tiểu học Bùi Văn Mới (Quận 9) cho biết trong hội nghị cha mẹ học sinh đầu năm luôn bàn về nội dung này và thỏa thuận, cử thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát với Ban an toàn thực phẩm của nhà trường, giám sát chất lượng bữa ăn cũng như thực đơn, giá cả.
Tương tự, anh Triệu Xuân Sâm, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường Tiểu học Phước Bình (Quận 9) đang trực tiếp tham gia công tác giám sát, kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn bán trú của trường. Ngay từ sáng sớm, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh có mặt cùng nhân viên nhà trường để thực hiện khâu kiểm tra, tiếp phẩm. Cùng với đó, 7 thành viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng luân phiên tham gia kiểm tra quy trình chế biến, lưu mẫu cũng như tổ chức bữa ăn của học sinh tại trường.
Công khai, minh bạch việc tổ chức bữa ăn bán trú để phụ huynh cùng giám sát cũng góp phần tăng hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thầy Lê Thành Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Bình Tân) cho biết, trường niêm yết công khai danh sách các công ty cung cấp thực phẩm vào trường tại bảng tin và trên cổng thông tin điện tử nhà trường để phụ huynh giám sát. Mặt khác, cùng với đảm bảo an toàn vệ sinh trong bữa ăn bán trú, trường cũng thường xuyên tuyên truyền để phụ huynh, học sinh nắm các kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho gia đình.
Để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học đạt hiệu quả, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cùng với công tác quản lý, thanh kiểm tra của các đơn vị chức năng, vai trò tự giám sát của nhà trường cũng rất quan trọng để kịp thời loại bỏ các nguy cơ. Mặt khác cũng không thể thiếu sự chung tay của toàn xã hội, nhất là các bậc phụ huynh trong giám sát chất lượng bữa ăn của con em mình trong cũng như ngoài trường học.