Tăng tính phối hợp liên ngành trong thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, năm 2018, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng liên quan. Nhờ đó, công tác xử lý vi phạm trở nên nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng nhiều lần so với trước.

Nghiêm minh trong xử lý vi phạm

Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính gần 89 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017. Riêng Cục An toàn thực phẩm và Thanh tra Bộ đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo kế hoạch và 21 đoàn kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý; đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở  với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt  6,086 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Lễ hội 2019. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

So với năm 2017, số cơ sở xử phạt tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần. Cùng với phạt tiền, cơ quan chức năng đã tạm dừng lưu thông 76 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 8 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 9 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra 10 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Cũng trong năm 2018, công tác kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm lưu thông trong nước được đặc biệt quan tâm. Các Viện chuyên ngành của Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Thừa Thiên - Huế đã giám sát được 9.338 mẫu, trong đó phát hiện 1.229 mẫu có kết quả giám sát không đạt (13,1%). Các tỉnh, thành phố đã giám sát 11.382 mẫu thực phẩm, trong đó 811 mẫu không đạt (7,13%).

Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ (số vụ, số người mắc, đi viện, số người tử vong đều giảm), bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ 8 hoạt động và sự kiện lớn của quốc gia.

Toàn quốc đã xảy ra 97 vụ ngộ độc thực phẩm với với 3.340 người mắc, 2.944 người đi viện, 16 người tử vong. So với năm 2017, tình hình ngộ độc thực phẩm được kiểm soát: Giảm 44 vụ (31,2%), giảm 560 người mắc (14,4%), giảm 783 người đi viện (21,0%), giảm 8 người tử vong (33,3%).

Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

Bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, đó là việc thực thi pháp luật tại địa phương chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm còn chưa chặt chẽ, đặc biệt trong phối hợp trao đổi thông tin.

Việc xử lý dứt điểm một số tốn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm; giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việc làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức về lĩnh vực thực phẩm được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Việc quản lý quảng cáo trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn, nhất là trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở xử lý vi phạm.

Một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp.

Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, năm 2019, ngành Y tế tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm từ Trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả; triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện, xã, phường tại 9 tỉnh, thành phố.  

Ngành Y tế xây dựng và thực hiện Dự án xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm; tiếp tục củng cố tổ chức, tăng cường năng lực cho các Chi cục an toàn thực phẩm

Song song với theo dõi và xử lý kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; các đơn vị chức năng chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang; hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn.

Ngành Y tế tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp với vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm; duy trì Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm.

Ngành Y tế phấn đấu có 78% người sản xuất, chế biến, 78% người kinh doanh thực phẩm, 78% người tiêu dùng và 78% người quản lý được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm. 88% phòng kiểm nghiệm thực phẩm của các tỉnh có dân số trên 2 triệu dân, có những khu công nghiệp có của khẩu giao thương hàng hóa và các thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn TCVN ISO /IEC 17025:2005…

Bích Thủy (TTXVN)
Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố an toàn thực phẩm
Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố an toàn thực phẩm

Tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, phát huy hiệu quả 8 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát xây dựng năm 2018, trong năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN