Bình Định, Quảng Nam gồng mình trong mưa lũ

Sáng 16/11 mưa lũ đổ về với cường độ rất lớn đã gây lụt lớn tại 11/11 địa phương của tỉnh Bình Định. Mưa lũ đã làm ngập sâu hàng chục ngàn ngôi nhà và làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch cả đường bộ, đường sắt.

Tại thị xã An Nhơn, mưa lũ đã làm sạt lở khoảng 15 m mố cầu phía Nam cầu Bình Định trên tuyến quốc lộ 1A; con đường từ thị xã An Nhơn ra phía Bắc cũng ngập sâu hơn 1,5 m; đoạn đường quốc lộ 1A dài hơn 100 phía Bắc cầu Bà Di (cầu Ghềnh) nước lũ tràn qua làm ngập đường khoảng 0,3- 0,5 m khiến hàng trăm phương tiện giao thông chủ yếu là xe khách và xe tải đường dài sắc tắc dài hàng km từ ngã ba Bà Di đến thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước. Đoạn đường quốc lộ 19 đến nay nước lũ vẫn chia cắt, mọi phương tiện không qua lại được. Trên tuyến đường sắt, tại ga Diêu Trì, ông Nguyễn Văn Miên - Phó Trưởng ga cho biết: Đã có 4 đoàn tàu với trên 1.000 khách đang mắc kẹt trên đường ra Bắc do đoạn đường qua thị xã An Nhơn bị nước ngập sâu.

Nước lũ dâng cao tận nóc nhà ở khu vực Diêu Trì.


Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tập trung mọi nguồn lực của địa phương và kêu gọi sự hỗ trợ của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn ưu tiên cứu người từ các vùng ngập đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết: Ưu tiên hàng đầu lúc này là cứu dân không bị chết, đói và rét trong mưa lũ. Tỉnh đã đề nghị Trung ương tăng cường phương tiện cứu hộ, cứu nạn và cả máy bay trực thăng để chuyển mì tôm, nước uống cho đồng bào. Về sự cố trên tuyến quốc lộ 1 A, tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành chức năng tìm biện pháp khắc phục sớm nhất.

Theo ông Huỳnh Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Quản lý và và xây dựng đường bộ Bình Định, công ty huy động 2 đội thi công từ Nam Quy Nhơn và Bắc Phù Cát tập kết vật tư, thiết bị xe máy tiến hành hàn khẩu đoạn bị vỡ tại cầu Bình Định để sớm thông xe trên tuyến đường huyết mạch qua tỉnh Bình Định. Tại huyện An Lão, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Tiến Dũng cho biết: Mưa lũ đã làm sạt lở trên 11 điểm tuyến đường từ An Hòa đi An Toàn, huyện đang huy động lực lượng xe máy để giải phóng lòng đường.

Để cứu đói cho người dân còn đang mắc kẹt trong lũ, tỉnh Bình Định đã xuất 2 tấn mì tôm, Ngân hàng cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam hỗ trợ 2 tấn mì tôm và hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có người bị chết. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo công tác khắc phục tại các vùng hiểm yếu. Tuy nhiên, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh và các địa phương chưa phối hợp đồng bộ trong việc đưa phương tiện và người hướng dẫn đến điểm cứu hộ cứu nạn nên cũng làm ảnh hưởng phần nào đến công tác cứu nạn cứu hộ và cứu trợ.

Quảng Nam ngập nặng 

Từ tối ngày 14 đến sáng 16/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 200 mm – 250 mm. Một số trạm có mưa lớn như: Trà My 450 mm, Phước Sơn 384 mm, Ái Nghĩa 367 mm, Tiên Phước 335 mm, Hội Khách 327 mm, Hiệp Đức 299 mm. Mưa lớn đã làm hàng ngàn ngôi nhà trên địa bàn bị chìm trong nước lũ.

Hiện nay, mực nước trên các sông Thu Bồn và Tam Kỳ đang ở mức cao và ở hạ lưu tiếp tục lên, riêng sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đã đạt đỉnh và đang xuống rất chậm. Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đêm ngày 15/11, huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang đã sơ tán được 1.313 hộ/4.355 khẩu; huyện Nông Sơn sơ tán hơn 1.500 hộ dân với 3.500 nhân khẩu đến nơi an toàn, tập trung chủ yếu ở những vùng thấp lụt, nhà cửa tạm bợ và các khu vực ven sông có nguy cơ bị sạt lở đất. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Điện Bàn đã đưa thuyền cứu hộ 7 người trên chiếc xe tải chở vật liệu làm cầu Kỳ Lam, mắc kẹt tại cầu lúc 3 giờ ngày 16/11 đến nơi an toàn.

Đoạn QL1A đoạn qua phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã bị ngập.


Do mưa lớn, cộng với thủy điện xả lũ nên hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hàng ngàn ngồi nhà bị ngập, những địa phương bị ngập nặng là Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn... Tại huyện Nông Sơn mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng, hàng ngàn ngôi nhà, cơ quan, trường học ngập sâu từ 3-4m. Ngày 16/11, mực nước các sông, suối trên địa bàn huyện dâng cao, sông Thu Bồn tại Trung Phước đạt mức báo động III và có khả năng tương đương mức đỉnh lũ năm 2009. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch ngập sâu từ 2-3m như: tuyến đường ĐT 611 Quế Sơn đi Quế Trung, tuyến đường ĐT 610 Duy Xuyên đi Quế Trung cũng ngập sau khoảng hơn 3m. Các tuyến đường liên xã, liên thôn nội bộ ngập sâu từ 3-4m, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn.

Ông Mai Văn Tám, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: Đến 8h ngày 16/11, toàn huyện Nông Sơn có hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập sâu từ 3-4m, nhiều ngôi nhà bị ngập từ 0,5m nước trở lên, tất cả các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn huyện đã ngập từ hơn 2m, hệ thống điện bị tê liệt trong nhiều ngày qua. Đã có 1 trường hợp là cụ bà Ngô Thị Chí 70 tuổi (trú thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) bị nước lũ cuốn trôi khi đi chăn trâu về không may bị sụt xuống cống nước.

Hiện lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Nam đang tổ chức trực, phân luồng giao thông tại những điểm xung yếu trên dọc tuyến quốc lộ 1A. Trung tá Phan Thanh Hồng, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết: Ngay từ đêm 15/11, Đội đã tổ chức trực 100% quân số, trong đó chú trọng những điểm ngập, nguy cơ ngập cao để hướng dẫn, phân luồng giao thông. Nếu nước lên cao, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nghiêm cấm tất cả các phương tiện giao thông qua lại để đảm bảo an toàn.



Viết Ý - Nguyễn Sơn
Sạt lở ngổn ngang tại đèo An Khê, Gia Lai
Sạt lở ngổn ngang tại đèo An Khê, Gia Lai

Có mặt tại đèo An Khê vào sáng 16/11, hàng chục điểm sạt lở ngổn ngang cây cối, đất đá tràn ra mặt đường. Các phương tiện ùn ứ từ tối 15/11 không thể đi được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN