Biến đổi khí hậu: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão

Mặc dù mới vào đầu mùa mưa năm nay, nhưng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có dấu hiệu bất thường của thiên tai, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ dông, lốc xoáy ở huyện Mỹ Xuyên và huyện Long Phú, làm sập và tốc mái gần 50 căn nhà, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, tại thị xã Ngã Năm, mới đây đã xảy ra một vụ sét đánh làm 2 người chết. Chưa bao giờ thiên tai lại ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, đời sống của người dân Sóc Trăng nặng nề như thời gian gần đây. Hết nắng nóng, hạn mặn lại đến mưa dông, lốc xoáy. Biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Khẩn trương khắc phục đoạn đê biển bị vỡ đoạn K43, thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Trước thực trạng trên, ngành chức năng và các địa phương, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường chỉ đạo, khảo sát thực địa và đề ra các giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra như bồi trúc đê bao, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai, xử lý nghiêm các vụ vi phạm đê điều, an toàn giao thông thủy trong mùa mưa bão...


Về lâu dài, nhằm hạn chế tác động của thiên tai, tỉnh Sóc Trăng đã thông qua kế hoạch đầu tư thủy lợi phòng chống hạn, mặn, hạn chế thiên tai giai đoạn 2016 - 2018 với tổng số tiền trên 1.550 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp đê điều, nạo vét kênh mương, mở rộng các công trình hệ thống cấp nước nông thôn.


Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, dự án đê biển Vĩnh Châu từ cầu Mỹ Thanh 2 đến giáp địa bàn tỉnh Bạc Liêu có chiều dài trên 40 km, được Trung ương đầu tư trên 430 tỉ đồng; trong đó đoạn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ấp Trà Sết thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu có tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng; đoạn Trà Sết (xã Vĩnh Hải) đến giáp ranh tỉnh Bạc Liêu khoảng 280 tỷ đồng.


Cùng với nâng cấp, khắc phục đê biển, đê sông, trồng rừng phòng hộ ven biển, Sóc Trăng còn đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đó là tổ chức sắp xếp lại sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống sớm hơn, tránh hạn mặn ảnh hưởng đến diện tích lúa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển một phần diện tích lúa, mía vùng dễ bị hạn mặn sang trồng rau màu hoặc nuôi thủy sản cho phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cao, ổn định cho người dân..


Trung Hiếu (TTXVN)
Hà Nội chủ động đối mặt với mùa mưa bão khó lường
Hà Nội chủ động đối mặt với mùa mưa bão khó lường

Hà Nội sẽ chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2017. Đó là khẳng định của ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, nhất là khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm 2017 được tổ chức chiều ngày 11/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN