Đảm bảo cung ứng điện mùa mưa bão

Đang mùa mưa bão nên lưới điện có thể bị gián đoạn do gặp sự cố bất kì lúc nào. Do đó, ngành điện đã lên kế hoạch chủ động bảo trì, bảo dưỡng đường dây, các trạm biến áp, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng để hạn chế tình trạng mất điện, thiếu điện.

Một cơn bão, thiệt hại 400 tỷ đồng

Cơn bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc Bộ cuối tháng 7 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho lưới điện nhiều tỉnh thành. Mất điện trên diện rộng đã xảy ra tại toàn bộ 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, hầu hết tỉnh Ninh Bình, một số khu vực tại Hà Nội... Do bão số 1, hàng nghìn cột điện hạ áp và cao áp đã bị gẫy đổ. Ước tính tổng thiệt hại sau bão số 1 lên tới gần 400 tỷ đồng.

Khắc phục sự cố điện sau bão số 1.

Riêng tại Hà Nội, do ảnh hưởng của bão Mirinae, 152 đường dây trung thế, 73 cột trung thế và 295 cột hạ thế bị nghiêng, gãy, đổ. Ước tính tổng thiệt hại do cơn bão số 1 là trên 12 tỷ đồng.

Để khắc phục thiệt hại do bão số 1 gây ra, các Công ty Điện lực các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, TP Hà Nội... đã huy động tới 5.500 nhân lực để dựng cột, khắc phục sự cố nhằm cấp điện trở lại nhanh nhất cho toàn bộ khách hàng. Đến nay, tình hình khắc phục sự cố tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, qua đây, ngành điện lực cũng rút ra nhiều kinh nghiệm để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm.

Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã thành lập các đội xung kích, tổ chức rà soát lưới điện để củng cố các điểm khiếm khuyết, khắc phục các tồn tại trên lưới điện để có thể trụ được trong thời điểm thiên tai. Đồng thời, chủ động phối hợp chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến người dân về công tác an toàn lưới điện trong mùa mưa, bão.

Chẳng hạn riêng tại tỉnh Quảng Ninh, hiện có hơn 1.000 km đường dây trung thế, hơn 15.000 km đường dây hạ thế, nhưng hơn 70% trong số đó đi qua địa hình đồi núi, khe suối nên việc sửa chữa, khắc phục sự cố mất điện do mưa bão gây ra là rất khó khăn. Một số đường dây và trạm biến áp được lắp đặt và vận hành đã 40 năm nên khi xảy ra mưa bão rất khó tránh hư hại, hỏng hóc.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng phòng Điều độ, Công ty Điện lực Quảng Ninh, để mạng lưới điện có thể vận hành tốt ngay cả trong bão lụt, công ty đang đẩy mạnh công tác đại tu, sửa chữa và nâng cấp hầu hết hệ thống lưới. Từ đầu năm, công ty đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình dòng vận hành của các đường dây trung áp để từ đó đề xuất các phương thức vận hành phù hợp, chống quá tải đối với đường dây. Các điểm xung yếu đều được gia cố, kiểm tra, xử lý.

“Các đơn vị cần chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn về phòng chống lụt bão thiên tai; sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy điện và vùng hạ du trong mùa bão lũ; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng, sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố và thiên tai xảy ra”, đại diện Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết.

Tập trung vào các dự án trọng điểm

EVN cho biết, trong tháng 7/2016 đã khởi công được 22 công trình lưới điện 110 - 500kV, hoàn thành đóng điện 12 công trình. Trong đó có các dự án quan trọng như: Trạm biến áp 500 kV Mỹ Tho, đường dây 500kV đấu nối Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Trạm biến áp 220kV Mỹ Xuân... Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, Tập đoàn đã khởi công 100 công trình và đóng điện 129 công trình 110 - 500kV.

Trong tháng 8 này, để đáp ứng nhu cầu điện năng, EVN cho biết sẽ khai thác các hồ thủy điện theo kế hoạch điều tiết, đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du của các địa phương. Các nhà máy thủy điện thuộc EVN đã chuẩn bị sẵn sàng các tình huống ứng phó đảm bảo an toàn hồ đập.

Ông Đặng Việt Thắng, Giám đốc Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát (Lai Châu) cho biết, ngay từ tháng 4, công ty đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cả 2 nhà máy. Đề phòng đợt mưa lũ sắp tới, Giám đốc công ty sẽ trực tiếp chỉ huy tại Nhà máy Thủy điện Huội Quảng; 1 Phó Giám đốc chỉ huy tại Nhà máy Thủy điện Bản Chát; các thành viên khác trong Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của công ty được phân công và giao trách nhiệm cụ thể.

“Tính đến chiều ngày 10/8, lưu lượng nước về 2 hồ thủy điện Huội Quảng và Bản Chát còn ở mức thấp. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình nước về để vận hành an toàn nhà máy và đảm bảo an toàn các công trình đầu mối”, ông Thắng cho biết.

EVN cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện: Phấn đấu đảm bảo tiến độ đốt lò bằng than tổ máy 1 Nhiệt điện Duyên Hải 3 vào cuối tháng 8; chuẩn bị tích nước hồ chứa Thủy điện Sông Bung 2 từ cuối tháng 8/2016 để phát điện vào tháng 11 và 12/2016; phấn đấu hoàn thành công trình trạm biến áp 500kV Phố Nối (phần nhánh rẽ 1C); tập trung thi công lắp đặt cáp ngầm cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm và đảm bảo tiến độ đóng điện cho xã đảo Lại Sơn; tăng cường chỉ đạo thực hiện các công trình cung cấp điện cho TP Hà Nội năm 2016 - 2017...
Bài và ảnh: H.Dương
Xã hội hóa đầu tư ngầm hóa lưới điện
Xã hội hóa đầu tư ngầm hóa lưới điện

Từ năm 2003, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) thí điểm hạ ngầm lưới điện cùng hệ thống cáp viễn thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hơn 70 tuyến đường đã không còn tình trạng “mạng nhện” gây mất mỹ quan đô thị. Đây được xem là một thành công lớn từ chính sách xã hội hóa việc đầu tư ngầm hóa lưới điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN