Khu vực Nam miền Trung đang bước vào cao điểm của mùa khô và nắng nóng gay gắt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiểm họa cháy rừng và cháy vùng nguyên liệu mía trong và ngoài hành lang lưới điện cao áp luôn rình rập. Đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, làm gián đoạn cung cấp điện trên diện rộng.
Hỗ trợ thu hoạch mía
Mía có đặc thù là loại cây cháy nhanh, lá tươi tạo ra khói cộng với gió bụi khiến đường dây dễ bị phóng điện, rất nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của người dân sống gần khu vực. Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, Công ty và các đơn vị truyền tải làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp các tỉnh cũng như các nhà máy đường để có kế hoạch thu mua sớm những ruộng mía trong và gần hành lang.
Công nhân Truyền tải Điện Bình Định chủ động đốt thực bì phòng ngừa cháy rừng bạch đàn trên đỉnh đèo Cù Mông. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Bên cạnh đó, các đơn vị trong Công ty cũng cập nhật kịp thời những khu vực có nguy cơ cháy cao, phối hợp với kiểm lâm, các chủ hộ mía chặt phát, thu dọn; Hỗ trợ công kể cả thuê nhân công giúp dân thu hoạch, vận chuyển mía, xử lý lá mía sau khi thu hoạch; huy động lực lượng tổng kiểm tra, phát quang, dọn thực bì, đốt có kiểm soát... để giảm tối đa nguy cơ cháy. Vì vậy, nhiều khoảng cột nhất là các đường dây 500 kV, hành lang an toàn đã được mở rộng lên từ 10 - 15 m. Từ đầu năm 2015 đến nay, các đơn vị đã phát quang, giải quyết những khu vực gây nguy cơ sự cố cao với tổng diện tích hơn 5 triệu m2 và tiếp tục phát quang 2 triệu m2 nữa nằm ngoài hành lang trong khoảng thời gian từ nay đến 30/6. Tại các đơn vị truyền tải đã được trang bị một số phương tiện dập lửa cá nhân giống như trang bị đối với kiểm lâm như bình xịt để khống chế ban đầu đám cháy.
Số liệu thống kê của công ty cho thấy số vụ cháy rừng, cháy mía tăng 6 - 7 lần so với những năm trước, gây rất nhiều thiệt hại nhất là các hộ dân trồng mía thuộc huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhiều vụ cháy lớn cả ngàn m2 mía kèm gió lốc tạo nên những cột lửa và khói cao vài chục mét gây ra 2 lần sự cố mất điện đường dây 220kV Nha Trang - KrôngBúk.
Vận động người dân không đốt rừng
Đốt rừng, đốt rẫy là tập tục của người dân ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc gây ra nhiều vụ cháy rừng khó kiểm soát. Gần đây, ngày 20/4, đường dây 500kV Plâycu - Di Linh, đoạn qua xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk bị sự cố, gây mất điện gần 3 giờ đối với một số tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Nguyên nhân là do cháy rừng bên ngoài lan vào bên trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
“Các vụ cháy rất khó phát hiện ngay từ đầu, điểm khởi cháy từ rất xa nhưng khi gặp gió sau thời gian ngắn đã tạo nên đám cháy trên diện tích lớn và vượt qua cả những con đường rộng 11 - 12 m”, ông Phong cho biết.
Công ty Truyền tải điện 3 (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) quản lý vận hành hơn 4.222 km đường dây 220/500kV trên địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên gồm các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. |
Trước thực tế này, nhiều địa phương đã có biện pháp phòng chống cháy rừng, nhất là những địa bàn có lưới điện đi qua. Trong tháng 5, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện Quốc gia, đoạn qua địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Truyền tải điện Đắk Lắk và chính quyền địa phương vận động các chủ rừng, những hộ dân sinh sống, sản xuất trên phần đất có rừng dọc tuyến đường dây không tự ý đốt rừng, không mang cây chặt, thực bì dễ cháy vào trong hành lang đường dây, không trồng cây có khả năng gây mất an toàn cho đường dây tải điện. Truyền tải điện Đắk Lắk được giao nhiệm vụ công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và lắp đặt biển số điện thoại của đơn vị quản lý vận hành trên các cột, cung đoạn có rừng ở hai bên hành lang tuyến đường dây để thông tin liên lạc, phối hợp xử lý phòng cháy rừng.
Mới đây, ngày 22/5, Công ty Truyền tải điện 3 tiếp tục có văn bản gửi Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Khánh Hòa đề nghị địa phương và cơ quan truyền thông phối hợp, tăng cường tuyên truyền, phát hiện và kịp thời ngăn chặn những vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhất là cháy mía trong và ngoài hành lang xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Với các giải pháp quyết liệt của ngành điện và sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền địa phương, hy vọng những tuyến đường dây huyết mạch cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống dân sinh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung luôn được nối dài và đảm bảo an toàn trong mùa nắng nóng này.